Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

NHỮNG SỰ THẬT KHÔNG THỂ CHỐI BỎ, PHẦN III: HỒ CHÍ MINH ĐÃ BÁN NHỮNG GÌ VÀ ĐỂ LÀM GÌ?

Tôi xin tiếp tục phần ba này với việc đề cập đến lý do có công hàm bán nước 1958 và những hệ lụy của nó đến bây giờ. Rất mong đây là tiếng nói góp sức cho sự hồi sinh của dân tộc. Qua đây tôi mong sau khi các bài viết được Danlambao đăng, bạn đọc nên tìm hiểu rồi dùng chính mình làm chiến sĩ thông tin như slogan của Danlambao đã gửi đến cho người thân quen của mình.
Về nội dung bài viết, tôi xin phép bạn đọc hết sức thông cảm vì phải lấy dẫn chứng cả hai phía: Dân và Đảng để minh chứng nên bài có thể viết dài, không súc tích. Tôi xin phép dùng một quy tắc đại loại gần giống với phép quy nạp và phản chứng trong toán học để chứng minh nên bài viết sẽ dài, chia làm từng phần nhỏ để kết luận.
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xin trình bày về việc ông Hồ Chí Minh bán nước với lý do muốn gây chiến với VNCH gây nên cuộc chiến sinh linh đồ thán. Có những ý kiến cho rằng ông Hồ là gián điệp Trung cộng, người Tàu. Trong khuôn khổ bài này tôi xin không đi vào phân tích việc đó vì đó là nghi vấn cần thêm thời gian và tài liệu. Tôi tạm coi ông Hồ là người Việt Nam, đi sang Pháp định làm quan nhưng không được nhận và gặp quốc tế thứ 3 rồi về nước. Và bối cảnh trong bài này tôi cũng xin dừng lại cho đến khi có công hàm 1958 chứ xin phép không bình luận về những năm sau, tránh ý kiến cho rằng lúc đó Trung cộng và Mỹ có can thiệp sâu vào Việt Nam.
Tại sao phải bán nước?
Như đã nói ở phần 2, công hàm 14/9/1958 là một công hàm bán nước của ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản mà người đứng ký tên là ông Phạm Văn Đồng (Thủ tướng VNDCCH). Vậy tại sao họ phải bán Hoàng Sa - Trường Sa cho Trung cộng? Tôi xin đi vào phân tích ở đây. 
1. Bối cảnh lịch sử hai miền Nam – Bắc: 
a. Về đời sống và kinh tế: 
Miền Bắc trong giai đoạn này bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội theo như tuyên truyền của cộng sản. Trong thời gian từ 1953-1957 xảy ra cuộc Cải cách ruộng đất man rợ, gây tang thương oan trái trong nhân dân (Tôi sẽ có bài khác về vấn đề này). Đây là cuộc đấu tố theo kiểu cách mạng văn hóa dập khuôn từ Trung cộng. Thực chất trong lúc này đảng cộng sản được các quốc gia trong phe xã hội chủ nghĩa ủng hộ về vật chất, tiền bạc, con người để khôi phục sản xuất. Nhưng có một điều ở đây chúng ta cần chú ý lúc này chủ nghĩa cộng sản đang muốn nhuộm đỏ cả thế giới, trong đó miên bắc Việt Nam là bàn đạp.
Tại Miền Nam dưới sự lãnh đạo của ông Ngô Đình Diệm, cùng sự hỗ trợ của Hoa Kỳ nhằm khôi phục kinh tế và nâng cao dân trí. Trong thời điểm miền bắc có cải cách ruộng đất gây tai họa thì miền nam cũng có cải cách điền địa và “Người cày có ruộng” mang lại niềm vui cho nhân dân. Chính vì có những chính sách hợp lý, chế độ dân chủ nên nửa trong của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Bằng chứng là Sài Gòn được coi là “ Hòn Ngọc Viễn đồng”. 
Về mặt kinh tế và đời sống này tôi xin không cần quá dài dòng vì đó là sự thật với tất cả chúng ta. Sự thật ấy đã khiến cho bao người miền bắc ngỡ ngàng sau năm 1975 được vào Sài Gòn. Nói đến bối cảnh đó để nói lên một điều sự thực đó là nhân dân miền nam sống sung túc hơn miền bắc rất nhiều. Tôi xin nêu ra một ví dụ nhỏ để so sánh.
Số liệu và nhận xét trên wiki: http://vi. wikipedia. org/wiki/Kinh_tế_Việt_Nam_Cộng_hòa:
Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã tích cực triển khai chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được dựng lên để bảo hộ một loạt ngành công nghiệp nhẹ. Kết quả phải kể đến nhà máy giấy đầu tiên ở Việt Nam: nhà máy giấy Cogido An Hảo (1961) ở Biên hòa, thỏa mãn 30-40% nhu cầu tiêu thụ giấy trong nước [4]; hai xưởng dệt Vinatexco và Vimytex với năng suất 13,2 triệu mét vải mỗi năm; nhà máy thủy tinh Khánh Hội năng suất 15.000 tấn/năm; hai nhà máy xi măng, một ở Hà Tiên, một ở Thủ Đức với năng suất 540.000 tấn mỗi năm; và đập thủy điện Đa Nhim, hoàn thành năm 1961 [5]. Đồng thời, các loại máy móc, kim loại - những đầu vào cho các ngành được bảo hộ - được ưu tiên nhập khẩu. Trong khi hạn chế nhập khẩu, xuất khẩu được khuyến khích. Một số mặt hàng xuất khẩu còn được chính quyền trợ cấp. Ngay cả tỷ giá hối đoái cũng được điều chỉnh thuận lợi cho xuất khẩu (thông qua trừ đi một mức phụ đảm).

Ở nông thôn thì Cải cách ruộng đất (lúc đó gọi là "Cải cách điền địa") được triển khai từ năm 1955 và kéo dài tới cuối năm 1960. Những ruộng đất của địa chủ bỏ hoang sẽ bị thu hồi và cấp cho tá điền. Địa chủ không được phép sở hữu quá 100 hecta đất (riêng các đồn điền dù hơn 100 ha vẫn được phép). Số dư ngoài 100 ha sẽ bị buộc phải bán cho chính quyền để bán lại cho tá điền. Tá điền được yêu cầu lập hợp đồng khai thác ruộng đất với địa chủ, gọi là khế ước tá điền trong đó có ghi mức địa tô mà tá điền phải trả cho địa chủ. Thời hạn khế ước là 5 năm, có tái ký. Tá điền có quyền trả đất và phải báo trước chủ đất 6 tháng.
Về thu nhập bình quân, theo “số liệu kinh tế - GDP” bình quân, ở miền Nam vào thời trước 1975 là 150USD. Thu nhập này tuy chưa cao mấy thời đó, nhưng cao hơn ở các nước Thái Lan, Bangladesh, Ấn Độ, và Pakistan. Trong khi đó 36 năm sau, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 1100 USD, thua xa Thái Lan (khoảng 4000 USD).
Về giáo dục đại chúng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, năm 1973, tỉ lệ dân số biết đọc, biết viết là 70%, rất cao so với các nước Á châu láng giềng hồi đó. Hiện nay, tỉ lệ dân số biết đọc và viết là 90%. Ba mươi sáu năm, chỉ tăng 20%?
Như vậy kinh tế của VNCH khiến cho nhân dân không có gì phải phàn nàn so với miền bắc.
Ngoài ra việc tự do báo chí, lập đoàn lập hội, phản kháng chính phủ cũng tạo cho VNCH một đời sống chính trị thoải mái và tự do. Ở đó con người có quyền của con người đúng nghĩa. Tuy chưa hoàn thiện nhưng so với miền bắc là cả một sự đối lập tương phản. 
Có thể kết luận: Về mặt kinh tế và đời sông, miền Nam hơn hẳn miền Bắc. Như vậy không có lý do gì miền Bắc có đời sống thấp kém hơn, kinh tế thấp hơn phải đi “giải phóng” cho miền Nam trù phú, giàu sức sống hơn. Lý do “giải phóng” về mặt kinh tế và đời sống là hoàn toàn bị bác bỏ.
b. Về mặt quân sự:
Đặc biệt về quân sự, có nhiều ý kiến cho rằng lúc đó VNDCCH lo sợ VNCH bắc tiến. Nhưng trên thực tế cho đến 1956 thì quân đội VNCH chủ yếu lo bảo vệ đất nước là chính. Họ chưa đủ trang bị và con người để trở thành “Nguy cơ” với Bắc Việt. Ví dụ như sau 1968 thì QLVNCH mới được trang bị M-16, trong khi đó quân đội VNDCCH lại có Ak-47 từ trước đó. Xin cho một thống kê nguồn wiki:

Năm 1956: Bộ Tổng tham mưu dời vào trại Trần Hưng Đạo, gần cổng vào phi trường Tân Sơn Nhất, và bắt đầu cải tiến toàn bộ cơ cấu tổ chức. Các tiểu đoàn bộ binh được tổ chức lại thành 4 sư đoàn dã chiến (1, 2, 3, 4) và 6 sư đoàn khinh chiến (11, 12, 13, 14, 15, 16). Mồi sư đoàn khoảng hơn 5.000 người. Pháo binh có thêm tiểu đoàn 23, 25, 34. Tiểu Đoàn 34 là đơn vị đầu tiên được trang bị đại bác 155 mm. Cùng năm 1956, mỗi sư đoàn bộ binh được trang bị thêm 2 tiểu đoàn pháo binh với 18 khẩu 105 mm. Không quân tiếp nhận thêm căn cứ Tân Sơn Nhất và căn cứ Biên Hòa. Cả hai đổi thành Căn cứ trợ lực không quân số 2 và số 3. Hải quân bắt đầu tiếp nhận tàu chiến từ Hải quân Hoa Kỳ gồm 31 chiến hạm với 193 chiến đỉnh.
Chú ý: với quân số 1 sư đoàn 5000 người thì thực tế so với lúc này QLVNCH chỉ có 5 sư đoàn đúng nghĩa (Quân số khoảng 10000 người).
Trong cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua” (NXb Sự thật - Cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) có viết: 
Sự thật là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương. Thái độ cứng rắn của Mỹ ở Hội nghị Giơnevơ chẳng qua là do Mỹ sợ Pháp vì bị thua ở chiến trường, có nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế, tài chính, có thể chấp nhận một giải pháp không có lợi cho việc Mỹ nhảy vào Đông Dương sau này.
Như vậy lý do có áp lực quân sự từ VNCH là không có. Người Mỹ đã không có khả năng can thiệp vào Việt Nam lúc đó như tài liệu phía cộng sản tôi vừa trích dẫn, Mỹ chỉ nhảy vào tham chiến sau này. Xét bối cảnh cho đến trước 1958 (Có công hàm bán nước) thì về quân sự VNDCCH nắm thế chủ động và VNCH cùng Mỹ chưa đủ sức gây sức ép!
Có thể kết luận: Về mặt quân sự, phía VNCH, Mỹ không có áp lực đáng kể nào có thể khiến cho VNDCCH phải “sợ” như các biện hộ cho việc dựa vào Trung cộng, Liên xô tiến đánh miền Nam. 
c. Kết luận: 
Về bối cảnh lịch sử cho thấy nhân dân miền Bắc có chất lượng sống không bằng miền Nam. Chúng ta phải hiểu rằng nhân dân miền Bắc có thể mù tịt thông tin trong Nam. Nhưng các vị lãnh đạo thì họ quá rõ nhờ hệ thống gián điệp chằng chịt, sách báo thông tin chỉ mình họ có. Lãnh đạo cộng sản cũng không phải là tay mơ. Vậy việc họ biết thừa rằng chẳng có lý do gì cần phải “Giải phóng” miền Nam. Nếu là một chính quyền hoạt động theo đúng tôn chỉ “Vì dân” thì họ sẽ không tiến hành chiến tranh để làm cho nhân dân 2 miền đều khổ cực trong bối cảnh nhân dân bên phía kia sống sung sướng. Nhân dân Nam Bắc đều là nhân dân Việt Nam cả. Hơn thế nữa trong bối cảnh không chịu áp lực quân sự thực sự thì lý do gây chiến là đâu?
Vậy chỉ có một lý do đó là lãnh đạo cộng sản miền Bắc phải có sứ mệnh cao hơn cả cuộc sống bình yên của nhân dân mới khiến họ nướng dân trên ngọn lửa hung tàn chiến tranh. Đó chính là: Ý thức hệ và quyền lực
Cuộc chiến mà đảng cộng sản tuyên truyền thực ra không “giải phóng” cho ai mà đơn thuần là cuộc chiến cho Ý thức hệ cộng sản chỉ huy bởi Liên xô và Trung cộng. Lý giải cho kết luận này tôi xin nói về câu nói nổi tiếng của ông Hồ: "Ông Diệm cũng là người yêu nước nhưng theo cách của ông ấy". Nếu nói như ông Hồ thì ông không thể coi ông Diệm là người phản bội dân tộc và như vậy cớ gì phải “giải phóng”? Cả về con người, lãnh tụ, kinh tế, quân sự thì có thể kết luận ngoài vấn đề chiến tranh cho ý thức hệ, cho quyền lực đỏ chẳng có lý do nào để giải thích cho cuộc chiến phi nghĩa ở Việt Nam.
Thậm chí cái lý do “thống nhất đất nước” cũng không thể chấp nhận được. Nếu để thống nhất không thiếu gì con đường thông qua ngoại giao, hòa bình. Hơn thế, khi ký công hàm 1958, ông Hồ đã cho thấy lý do “thống nhất” là một trò hề. Thống nhất không thể đem một phần đất đai của tổ quốc dâng cho giặc được. 
Câu nói nổi tiếng của ông Lê Duẩn: “Ta Đánh Miền Nam là Đánh cho Liên Xô, cho Trung Quốc…” đã thay cho lời kết luận của tôi.
2. Trung Quốc trả tiền mua Đảo bằng cái gì? 
Trung cộng đã giúp đỡ từ vật dụng nhỏ nhất cho đến tàu chiến, xe tăng để quân đội VNDCCH có thể tiến hành cuộc chiến tranh gây đau thương cho dân tộc. Chúng ta không lạ gì các khẩu 12,7, kim khâu, đá lửa, mũ cối, xe tăng K63, T59… là của Trung cộng viện trợ. Sau đây là lời kể của ông Dương Danh Dy, cựu đại sứ Việt Nam tại Trung cộng với tờ báo mới (Của đảng cộng sản): 
Những người ở lứa tuổi tôi (và trẻ hơn hai mươi, hai nhăm tuổi) hiện nay đều không quên những viện trợ to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em cho chúng ta trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Từ vũ khí đạn dược đến gạo ăn vải mặc, từ ô tô, tầu thủy, máy bay đến chiếc xe đạp, máy khâu, từ gói mì chính đến cái kim sợi chỉ…, không sao kể hết.

Tôi còn nhớ, từ chiếc mũ cối và đôi dép cao su Việt Nam đưa mẫu sang, các kỹ sư và công nhân Trung Quốc đã chế tạo cho quân đội ta và nhân dân ta những chiếc mũ cối và đôi dép lốp nổi tiếng một thời.

... Ít người Việt Nam được biết những con tầu Giải phóng tải trọng chỉ có 50 tấn nhưng dùng động cơ mạnh tới 800 mã lực (nghĩa là có tốc độ rất nhanh) để có thể từ một cảng miền Bắc chở vũ khí, lương thực... vào cập bến tại một nơi ở vùng giải phóng miền Nam rồi trở lại ngay miền Bắc trong đêm đã được các kỹ sư và công nhân một nhà máy đóng tầu Trung Quốc thiết kế và chế tạo xong trong một thời gian ngắn kỷ lục theo yêu cầu của chúng ta.
Đây chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ về sự “giúp đỡ” của Trung cộng. Trung cộng thực chất giúp đỡ ông Hồ và đảng cộng sản nhằm 2 mục tiêu: Lan truyền đế chế cộng sản đỏ, Đổi lấy 2 đảo chiến lược và khu vực nhiều dầu mỏ của Việt Nam. Dã tâm ấy được thể hiện qua công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng dưới sự chỉ đạo của ông Hồ (Như đã chứng minh ở phần 2).
Luận điểm này có thể hiểu rằng: Một kẻ tham lam, xấu bụng như Trung Cộng, việc giúp đỡ này không thể “vô tư”. Nó dứt khoát phải kèm theo điều kiện. Điều kiện đó là: Hoàng Sa- Trường Sa.
3. Bác và đảng đã bán những gì? 
Trên thực tế, để chiến đấu cho quyền lực cộng sản “Đánh cho Liên xô, cho Trung Quốc” thì đảng cộng sản Việt Nam cần vũ khí, tiền. Liên xô giúp đỡ nhưng họ không giúp như Trung cộng. Trung cộng với tư tưởng đại hán và mộng đô hộ Việt Nam ta suốt 4000 năm đã không bỏ qua cơ may đó. Họ đã ngấm ngầm thỏa thuận để đổi vũ khí lấy đất đai. Trong công hàm 1958 tôi đã nêu trong bài trước (bài số 2), việc bán quần đảo HS-TS là có thật, không thể phủ nhận.
Việc mua bán này đã được chính các quan chức cộng sản thừa nhận một cách lập lờ. Chúng ta không quên việc ông Đồng đã nói kiểu lập lờ: “Lúc đó thời chiến phải nói thế”. Thực ra ở đây câu nói đó ý muốn ám chỉ việc lúc đó cần tiền, cần vũ khí để bán đảo cho Trung cộng. Như vậy việc trao đổi là hoàn toàn hợp lý. Một bên cần vũ khí chiến tranh, một bên cần đảo và dầu mỏ. 
Nhà xuất bản Sự Thật – một cơ quan thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam qua cuốn “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”. Ở trang 73 của tác phẩm này, những người cộng sản Việt Nam đã cay đắng thú nhận: “Những người cầm quyền Trung Quốc, xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ có giúp Việt Nam khi nhân dân Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, nhưng cũng xuất phát từ lợi ích dân tộc, họ không muốn Việt Nam thắng Mỹ và trở nên mạnh, mà chỉ muốn Việt Nam yếu, lệ thuộc Trung Quốc... Họ lợi dụng xương máu của nhân dân Việt Nam để buôn bán với Mỹ... Họ muốn chia rẽ Việt Nam với Liên Xô và các nước XHCN khác”
Điều này cho thấy người cộng sản chưa dám nói thẳng ra Trung cộng “lợi dụng” cái gì rõ rệt, họ sợ tội BÁN NƯỚC. Nhưng đây có thể coi như lời thừa nhận xương máu cho cuộc chiến tranh Nam Bắc là vô nghĩa, và cái thứ để “lợi dụng” kia chính là HS-TS.
Trung cộng luôn lợi dụng việc “giúp đỡ” để giành đất của chúng ta. Thực ra ông Hồ và đảng cộng sản ban đầu có ý định bán cả đảo Bạch Long Vĩ. Tuy nhiên câu chuyện về hòn đảo Bạch Long Vĩ có hơi khác vì nó là khúc xương khó nhằn hơn HS-TS. Đó cũng là điều còn may mắn cho dân tộc.
Hẳn nhiều người còn nhớ, năm 1955, khi quân đội Pháp thi hành Hiệp định Geneve, rút khỏi khu 300 ngày, tập kết vào dưới vĩ tuyến 17. Thời kỳ này quân đội Việt Minh từ các chiến khu trở về tiếp quản khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Kiến An chưa có lực lượng hải quân. Biết được điều đó, Trung cộng đã tự ý đổ bộ vào tiếp quản đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam. Đảo Bạch Long Vĩ nằm trong vịnh Bắc Bộ, chỉ cách cảng Hải Phòng hơn 120 km. Trung cộng đã chuyên chở sắt thép, xi măng ra đảo, xây dựng công sự kiên cố, bộc lộ ý đồ chiếm giữ đảo Bạch Long Vĩ lâu dài. Sau đó Trung cộng đã trả lại cho Việt Nam năm 1956. Lý do Trung cộng trả lại cho Việt Nam không phải Trung cộng tốt đẹp gì. Chỉ bởi vì đó là khúc xương khó nuốt. Đảo Bạch Long Vĩ không thể là của Trung cộng dựa trên luật biển (quá gần cảng Hải Phòng), nếu chiếm sẽ thành quá lố và chịu áp lực quốc tế. Và so sánh vị trí chiến lược cũng như vàng đen thì HS-TS hơn hắn. Và đảng cộng sản Việt Nam đương nhiên không muốn việc mất Bạch Long Vĩ. Họ làm thế sẽ lộ rõ mưu mô bán nước cho nhân dân ta, họ không dại gì làm điều này nên đã yêu cầu Trung cộng rút, Trung cộng nhẹ nhàng rút bỏ.
Đây là lời phát biểu của ông Thạc sỹ Hoàng Việt (của cộng sản) với VOA: (bài viết trên biendong. net. 
VOA: Thưa ông, trong vài ngày qua chúng tôi đọc được trên internet lời kêu gọi của một số người Trung Quốc đòi thực hiện những cuộc biểu tình ở các thành phố lớn ở Trung Quốc, như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... vào ngày chủ nhật tới đây để phản đối điều mà họ cho là Việt Nam xâm phạm chủ quyền biển đảo của họ ở Biển Đông. Những người này cũng nói tới chuyện gọi là "lấy lại" đảo Bạch Long Vĩ, nơi mà năm ngoái Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã đến thăm và đưa ra một tuyên bố cứng rắn để bày tỏ quyết tâm bảo vệ lãnh thổ. Ông nghĩ sao về diễn tiến này?

Hoàng Việt: Trước nhất, tôi không hiểu vì sao những người đó họ nói như vậy. Bời vì như vậy thì có hai khả năng xảy ra: thứ nhất là họ không hiểu gì vấn đề liên quan tới luật pháp quốc tế cả, và thứ hai là họ có thể bẻ cong nó đi. Bởi vì đảo Bạch Long Vĩ cho đến bây giờ chưa bao giờ có tranh cãi pháp lý chính thức về chủ quyền đảo Bạch Long Vĩ cả. Bạch Long Vĩ là hoàn toàn của Việt Nam. Năm 1957 lúc đó Trung Quốc chiếm nhưng rồi trao lại cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cái lý Trung cộng “trả lại” Bạch Long Vĩ, tôi đã nói ở trên!
Như vậy có thể kết luận lại mục đích của ông Hồ và đảng cộng sản đã dùng công hàm 1958 để bán đảo HS-TS lấy vũ khí, trang bị của Trung cộng tiến hành cuộc chiến tranh cho thế giới cộng sản và gia tăng quyền lực. Tính hiếu chiến của ông Hồ thể hiện rất rõ qua những câu thơ của ông, ví như: 
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào 
Tiến lên, chiến sĩ đồng bào… 
Thực ra ông Hồ không thương xót gì cho dân tộc. Qua những bài thơ, câu nói của ông ta thấy rõ ràng việc ông chỉ muốn chiến tranh nhằm củng cố đế chế đỏ. 
Đây là nhận xét của ông Yelsin về ông Hồ: “Ông dính dáng đến nhiều sự kiện trọng đại nhất của quốc gia, gây những lỗi lầm to lớn nhất!”. Và một trong những lỗi lầm đó là “Bán nước và Gây chiến tranh phi nghĩa”. 
Ngay sau khi chiến thắng ở Điện Biên Phủ, ông Hồ đã công nhận việc mình làm đơn giản không phải vì dân tộc: “Nhận chỉ thị của Quốc Tế Cộng sản giải quyết vấn đề cách mạng ở nước ta, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ”. Ông Hồ chính là kẻ ham quyền lực đỏ và không coi dân tộc là hàng đầu. 
Có thể kết luận: Ông Hồ là người cầm đầu VNDCCH lúc đó, về hệ thống chính trị tôi đã trình bày ở phần 2. Ông Hồ có quyền quyết định tất cả, ông Hồ chỉ vì mục tiêu chiến đấu cho cộng sản. Và như vậy không có gì ngạc nhiên khi ông chỉ đạo công hàm bán nước để có vũ khí chiến tranh với chính dân tộc mình. Một người không yêu tính mạng đồng bào, chỉ thích gây chiến cho phe nhóm cộng sản thì không thể yêu nước, sẵn sàng bán đất đai cho giặc. Ông Hồ và đảng cộng sản là những người chịu trách nhiệm chính trong cuộc chiến Việt Nam phi nghĩa và công hàm bán nước cho Trung cộng. 
Chúng ta phải làm gì?
Trong khi phía VNCH ra sức giữ đảo thì phía VNDCCH lại dùng phần đất linh thiêng của dân tộc nhằm lấy vũ khí để thực hiện chiến tranh. Nhưng vấn đề trong công hàm của ông Phạm Văn Đồng do ông Hồ chỉ đạo để bán nước không dừng lại ở việc chúng ta có nguy cơ mất HS-TS về mặt đất đai mà còn là mất mát về vị trí quân sự cũng như các giếng dầu. 
Hệ lụy dẫn đến là Trung cộng ngang nhiên chiếm giữ Hoàng Sa, đòi Trường Sa và hiện nay liên tục bắt giữ ngư dân chúng ta trên vùng biển lẽ ra của chúng ta. Đơn cử chính là cái đường lưỡi bò man rợ. Chính phủ Việt Nam hiện nay không dám phản kháng. Họ biết rằng Bác Hồ của họ đã bán nước. Họ đành phản đối một cách gượng ép để tránh dư luận trong và ngoài nước. Câu hỏi được đặt ra có thể lấy lại được HS-TS hay không? Tôi xin trả lời là có thể.
Trong khuôn khổ bài trước, tôi đã chứng minh việc công hàm 1958 là có thật, hành vi đó của ông Hồ và ông Đồng là hành vi bán nước. Tuy nhiên, để chiếm lại HS-TS chúng ta phải làm những việc sau.
Việc thứ nhất, Công hàm 1958 không thông qua quốc hội như vậy vi hiến. Lúc đó HS-TS không thuộc quyền quản lý của VNDCCH. Như vậy, về pháp lý chúng ta vẫn có cơ sở để đòi lại. Việc này không biện hộ cho hành vi bán nước của ông Hồ, đây chỉ là khe hở pháp lý mà chúng ta cần nắm lấy.
Việc thứ hai, Đảng cộng sản Việt Nam là con nuôi của Trung cộng. Lật đổ đảng cộng sản, chứng minh được hành vi vi hiến, bán nước của đảng và ông Hồ sẽ có một chính phủ hợp hiến, đồng thuận đứng lên vì dân tộc. Việc đó sẽ giúp ích cho việc lấy lại HS-TS. Chỉ khi không còn kẻ nội thù là đảng cộng sản và tàn dư thì mới có thể chống Trung cộng.
Việc thứ ba, chính phủ dân chủ mới sẽ dựa vào Mỹ, đồng minh để đòi lại những gì vốn có của Việt Nam. Đoàn kết với đồng bào khắp nơi trên thế giới gây áp lực với Trung cộng. 
Ở bài này, tôi đã chứng minh cuộc chiến tranh từ du kích đến quy mô lớn ở Việt Nam là do ông Hồ và đảng cộng sản gây ra. Đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa không phải theo lý do “giải phóng” dân tộc. Ông Hồ muốn chiến tranh để nâng cao quyền lực đế chế đỏ. Ông Hồ và đảng cộng sản là kẻ cầm đầu việc bán đất đai, biển đảo tổ tiên để đổi lấy vũ khí Trung cộng gây đau thương cho dân tộc. 
Chân thành cảm ơn bạn đọc và DLB! 
Chỉnh sửa, hoàn thiện: 15/06/2012 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét