Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

ĐỜI THƯỜNG TRONG DINH ĐỘC LẬP

ĐỜI THƯỜNG TRONG DINH ĐỘC LẬP, NGÀY 30-4-1975


Xe đạp - điếu cày - quạt nan và sự thảnh thơi buổi trưa chiến thắng
Mai Thanh Hải Blog - Sách giáo khoa lịch sử và cả các phương tiện thông tin đại chúng, khi nhắc đến thời khắc bộ đội ta chiếm Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30-4-1975, suốt 36 năm qua, vẫn chỉ quay đi quay lại hình ảnh chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2) cắm cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Thế nhưng ít ai biết rằng, ngay sau đó, các đơn vị xe tăng - thiết giáp - bộ binh cũng đã ào ạt đổ về, tập trung địa điểm này. Chiến thắng - Qua những hình ảnh thường thấy bao năm nay, là cờ hoa rợp trời, bộ đội mặc quần áo mới cóong, cấp hàm đỏ tươi, ngồi uy nghiêm trên thùng xe... Ít ai biết: Chiến thắng - Sau thời khắc 11h30 ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập là những giây phút đời thường, dung dị và rất đặc trưng của những anh bộ đội miền Bắc trẻ măng; là cái thở phào nhẹ nhõm sau 1 chặng đường hành quân vất vả, cái chết và sự sống cách nhau gang tấc; là quần áo rách bươm, nồng nặc mùi thuốc súng, lăn trên cỏ ngủ ngon lành như chưa bao giờ được ngủ; là tò mò ngắm nghía thành phố mới, người dân mới và những đồ vật, cảnh sắc mới quanh mình... Chiến thắng - Có nghĩa là hết chiến tranh, hết nổ súng, hết đổ máu và được nguyên vẹn trở về với quê hương, gia đình, người thân.

Xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh khác với hình ảnh ta vẫn thấy, do các phóng viên nước ngoài và phóng viên chiến trường ghi lại, ngay trong ngày 30-4-1975, tại Dinh Độc Lập:
Trước 11h30 phút, khi cờ 3 sọc vẫn còn trên nóc Dinh Độc Lập
Bộ binh tiến vào Dinh sau xe tăng

Sân trước của Dinh Độc lập, thời điểm 11h30 ngày 30-4-1975
Những người lính của chế độ cũ bỏ vũ khí đầu hàng
Sĩ quan Tăng Thiết giáp của chế độ cũ đầu hàng
Trước bậc thềm vào Dinh
Kíp chiến đấu xe tăng 879 trong sân Dinh
Ngồi nghỉ
Nhiều anh em trên 1 chiếc xe tăng
Lính trẻ vào Dinh
Nồi niêu xoong chảo cũng tiến về Dinh
Tay xách nách mang
Nơi rửa mặt và rửa chân lý tưởng (hình chụp trong Lễ Diễu binh, mừng chiến thắng 5-5-1975)

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Tìm hiểu về điện hạt nhân: Điều kỳ diệu hay kẻ hủy diệt nhân loại?

Những lợi ích và sự "khủng khiếp" của điện hạt nhân là không phải bàn cãi. Quá trình này đem lại cho con người một lượng năng lượng khổng lồ, sạch và quan trọng hơn, gần như vô tận. 
 
Thời gian gần đây, trên thế giới đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên sử dụng điện hạt nhân hay không. Bên cạnh những lợi ích (nguồn năng lượng) khổng lồ mang lại, việc sản xuất loại năng lượng này đem lại những rủi ro và tai nạn khủng khiếp (mà điển hình là vụ nổ nhà máy điện nguyên tử tại Nhật Bản cách đây không lâu) là điều làm nhiều nước, trong đó có cả các quốc gia phát triển như Đức cân nhắc.
 
Chắc hẳn, chúng ta đã quá quen với danh từ "điện nguyên tử" nhưng nó là gì, những đặc điểm của việc sản xuất và sử dụng loại năng lượng này ra sao thì không phải ai cũng biết. Nếu các bạn quan tâm đến loại năng lượng này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết sau.
 
Điện hạt nhân - Nguồn năng lượng của tương lai hay kẻ hủy diệt?
 
Ngày nay, khi mà các nguồn năng lượng hóa thạch (như than đá, dầu mỏ...) đang ngày càng cạn kiệt, con người đứng trước thách thức phải tìm ra những nguồn năng lượng mới để thay thế. Năng lượng hạt nhân là một trong những ứng viên sáng giá nhất.
 
Tỷ lệ năng lượng sử dụng trên thế giới.
 
Đúng như tên gọi, năng lượng hạt nhân được tạo từ việc chia tách các hạt nhân nguyên tử bằng các lò phản ứng được kiểm soát bởi con người và máy móc (chi tiết hơn sẽ được giải thích ở phần sau). Do vậy, năng lượng hạt nhân có thể nói là gần như vô tận nếu như so sánh với các loại năng lượng hóa thạch hiện nay.
 
Hiện tại, tính đến thời điểm 1/3/2011, có 443 nhà máy hạt nhân trên khắp thế giới đặt tại 47 quốc gia khác nhau. Trong năm 2009, năng lượng hạt nhân chiếm khoảng 14% tổng tiêu thụ năng lượng trên thế giới. Hiện tại, Litva đang là nước phụ thuộc lớn nhất vào năng lượng hạt nhân khi 76,2% nhu cầu năng lượng của nước này được các lò phản ứng cung cấp, vị trí thứ hai là Pháp. Tại Mỹ, 104 lò phản ứng hạt nhân đang cung cấp tới 20% điện năng cho quốc gia này. 3 cường quốc, Pháp, Nhật Bản và Mỹ chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng điện hạt nhân được sản xuất trên toàn thế giới.
 
Với những lợi thế khủng khiếp về khả năng tạo năng lượng/ khối lượng, năng lượng hạt nhân đang ngày càng trở nên được ưa chuộng. Hiện hầu hết các tàu sân bay mới được sản xuất, các thiết bị thăm dò, thám hiểm dài ngày đều sử dụng năng lượng hạt nhân. Một lượng lớn các khí tài quân sự siêu cấp như tàu ngầm... đều sử dụng nguồn năng lượng này. Chính các động cơ hạt nhân trên các tàu sân bay đã mang lại khả năng chiến đấu và sức mạnh cho hải quân Mỹ và Nga.
 
 
Tuy mang lại những lợi ích lớn và không thể phủ nhận nhưng điện hạt nhân cũng khiến nhiều người hết sức lo ngại về tính an toàn của nó. Hàng loạt các nước châu Âu mà gần đây nhất là Đức đã có rất nhiều ý kiến phản đối việc sử dụng rộng rãi điện hạt nhân. Sự phản đối ngày càng nghiêm trọng sau thảm họa hạt nhân kinh hoàng tại Nhật Bản cách đây không lâu. Đức đã quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân trước năm 2022 còn Ý, loại năng lượng này đã bị cấm sử dụng.

Vậy, bản chất của điện hạt nhân là gì? Các nhà máy hạt nhân hoạt động ra sao? Nó là anh hùng hay kẻ hủy diệt thế giới? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những điều này thông qua bài viết sau.
 
Năng lượng hạt nhân được tạo ra như thế nào?
 
Về căn bản, như đã nói ở trên, năng lượng hạt nhân được lấy từ việc chia tách hạt nhân nguyên tử trong lò phản ứng hạt nhân dưới sự kiểm soát chặt chẽ của con này. Có 3 phương pháp chính để có thể lấy được loại năng lượng này: phân hạch hạt nhân, tổng hợp hạt nhân và phân rã phóng xạ. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có phương pháp phân hạch hạt nhân là được sử dụng một cách rộng rãi trên toàn thế giới.
 
 
Phân hạch hạt nhân còn gọi là phản ứng phân rã nguyên tử. Trong phân rã nguyên tử, hạt nhân nguyên tử bị chia làm hai hoặc nhiều hạt nhỏ hơn và một số phần thừa (neutron, photon...). Quá trình này tỏa ra một lượng năng lượng đáng kể - đây chính là nguồn năng lượng hạt nhân mà chúng ta đang đề cập đến. Hiện năng phản ứng hạt nhân được sử dụng rộng rãi nhất là chuyển hóa từ đồng vị Uranium 235 lên Uranium 236 rồi phân tách thành Kr 92 và Ba 141. Quá trình này tạo ra một lượng năng lượng vô cùng lớn.
 
Nói thêm một chút, nhắc đến năng lượng hạt nhân chắc chắn các bạn sẽ nhớ ngay đến vũ khí hạt nhân hay bom nguyên tử. Liên tưởng này là rất có lý khi năng lượng trong hai vấn đề được tạo ra theo một nguyên lý y như nhau.
 
Trở lại với các lò phản ứng hạt nhân. Thật ra, cách thức hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân không hề phức tạp như các bạn tưởng. Về căn bản, con người sử dụng năng lượng thu được sau các phản ứng hạt nhân, đun nóng nước, tạo ra hơi nước nhằm quay các tuốc bin và tạo ra điện. Quá trình này về căn bản giống hệt nhiệt điện chạy bằng than đang khá phổ biến ở nước ta, chỉ khác là năng lượng hạt nhân lớn hơn rất nhiều lần.
 
Hiện có 3 công nghệ xây dựng và sử dụng lò hạt nhân khác nhau được sử dụng trên toàn thế giới. Phần lớn các lò hạt nhân hiện nay đều thuộc thế hệ 3 và có rất ít nhà máy điện hạt nhân vẫn còn sử dụng công nghệ thế hệ hai. Các lò phản ứng "đời đầu" đã bị ngừng xây dựng sau thảm họa hạt nhân khủng khiếp ở Chernobyl năm 1986. Mỗi loại lò phản ứng có nguyên liệu, thành phần thiết bị, chất làm lạnh khác nhau nhung gần như hoạt động ở cùng một cơ chế.
 
Về căn bản, khi một hạt nhân tương đối lớn (Urani 235 hoặc Plutoni 239) hấp thụ notron sẽ tạo ra sự phân hạch nguyên tử. Quá trình phân hạc tách nguyên tử thành 2 hay nhiều hạt nhỏ hơn và "thải" ra động năng kèm theo tia gamma và notron tự do. Các notron này lại bị hấp thụ bởi các nguyên tử phân hạch khác và tạo ra nhiều notron hơn. Quá trình này diễn ra theo cấp số nhân và tạo nguồn năng lượng khổng lồ. Con người kiểm soát quá trình này bằng các sử dụng các chất hấp thụ notron và bộ điều hòa để khống chế, kiểm soát lượng notron tham gia vào phản ứng phân hạch.
 
 
Một phần hết sức quan trọng khác của lò hạt nhận là hệ thống làm mát. Hệ thống này có nhiệm vụ giải phóng nhiệt từ quá trình phân rã hạt nhân để sử dụng cho các mục đích khác nhau (tạo điện, lực đẩy...).
 
Như đã nói ở trên, với mỗi mục đích người ta sử dụng các loại nguyên liệu và hệ thống khác nhau. Ví dụ, nguyên liệu sử dụng trong tàu hải quân, tàu ngầm... sẽ sử dụng Uranium được làm giàu ở mức độ rất cao sẽ làm tăng mật độ năng lượng và tăng hệ số sử dụng của chúng. Tuy nhiên, nó có giá thành đắt hơn và nguy hiểm hơn các lò phản ứng hạt nhân thông thường.
 
Vì sao con người tranh cái về việc dùng hay không dùng điện hạt nhân
 
Những lợi ích và sự "khủng khiếp" của điện hạt nhân là không phải bàn cãi. Quá trình này đem lại cho con người một lượng năng lượng khổng lồ, sạch và quan trọng hơn, gần như vô tận.
 
Đầu tiên là về yếu tố "khổng lồ". Một nhà máy điện hạt nhân cỡ lớn như nhà máy điện Fukushima I (vừa bị nổ ở Nhật) có công suất 4,7 GW trong khi thủy điện lớn nhất của Việt Nam chỉ có công suất khoảng 2 GW. Hãy nhớ, Fukushima I chỉ là 1 trong 6 nhà máy điện ở khu vực này của Nhật, diện tích sử dụng của cả 6 nhà máy hạt nhân này vẫn nhỏ hơn thủy điện Hòa Bình của Việt Nam. Hãy nhớ, công trình thủy điện lớn nhất thế giới, đập Tam Điệp của Trung Quốc cũng chỉ có công suất khoảng 18 GW. Hãy nhớ, diện tích của đập này là khoảng 1045 km2, trong khi Fukushima 1 có diện tích chưa đến 1km2.
 
 
Hay một ví dụ dễ hiểu hơn, nếu mặt trời của chúng ta hiện nay làm bằng than đá loại tốt nhất, nó sẽ chỉ cháy thêm được khoảng 10 triệu năm trong khi, theo dự đoán của loài người, mặt trời còn tồn tại khoảng hơn 4 tỷ năm nước trước khi tắt hoàn toàn, nguồn năng lượng khổng lồ này đến từ phản ứng hợp hạch hydro thành heli.
 
Thứ hai là yếu tố môi trường, đây là điều khiến nhiều người tranh cãi trong việc nên hay không nên sử dụng năng lượng hạt nhân. Quá trình sản xuất điện hạt nhân thải ra một lượng chất thải phóng xạ bao gồm: Urani không chuyển hóa được, một số nguyên tử thuộc nhóm Actini (chủ yếu là Plutoni và Curi). Các chất thải này hiện chưa có cách xử lý triệt để và là nguy cơ lớn cho sự an toàn của con người. Nguy cơ ô nhiễm môi trường của các nhà máy điện hạt nhân còn đến từ lượng phóng xạ tỏa ra từ quá trình phân rã hạt nhân, tuy nhiên, con người đã có thể kiểm soát chúng khá tốt.
 
Ngoài hai yếu tố trên ra, quá trình sản xuất điện hạt nhân hầu như không ảnh hưởng xấu đến môi trường, vì vậy, đây được đánh giá là một loại năng lượng khá sạch, ít nhất là vượt trội so với việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch. Theo tính toán, chi phí xử lý chất thải của một nhà máy điện hạt nhân là cực kỳ nhỏ so với một nhà  máy nhiệt điện chạy than cùng công suất.
 
Thứ ba là giá thành. Thực ra, còn rất nhiều tranh cãi về giá thành của điện hạt nhân. Chi phí xây dựng và bắt đầu một nhà máy hạt nhân là tương đối lớn: một lò cỡ trung bình như lò sắp được xây dựng tại  Ninh Thuận, Việt Nam là khoảng 2 tỷ USD chưa kể kinh phí đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, quy trình...  Tuy nhiên, chi phí trên mỗi đơn vị năng lượng giảm dần. Nếu tận dụng hết một vòng đời (khoảng 60 năm) của nhà máy điện nguyên tử, giá thành mỗi kWh điện sẽ thấp hơn cả thủy điện.
 
Tại sao phản đối?
 
Thật ra, việc sử dụng năng lượng hạt nhân bị phản đối do sự lo ngại của con người về những thảm họa xảy ra khi các lò phản ứng gặp sự cố. Hai sự cố hạt nhân, 1 xảy ra năm 1986 tại Chernobyl và vừa qua tại Nhật là hai lời cảnh báo rõ ràng nhất. Tuy tại Nhật, không diễn ra một thảm họa khủng khiếp như Chernobyl, nhưng nó cũng đã làm nhiều quốc gia quay lưng với loại năng lượng này.
 
Một lý do nữa các quốc gia như Đức hay Ý nói không với năng lượng hạt nhân là do họ muốn phát triển các loại năng lượng nguồn gốc thiên nhiên như: gió, năng lượng mặt trời...
 
Kết
 
Thực tế đã chứng minh, năng lượng hạt nhân là một điều thần kỳ thực sự mà con người đã có được. Nó đem lại những lợi ích to lớn về năng lượng đặc biệt cho các quốc gia không có nhiều tài nguyên để sản xuất năng lượng như Nhật chẳng hạn. Nó đem lại sức mạnh, sự vượt trội cho hải quân Mỹ, Nga, giúp con người và kỹ thuật vươn xa hơn nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh đó, khả năng hủy diệt của loại năng lượng này cũng khiến người ta sợ hãi.
 
Còn bạn, bạn nghĩ sao về năng lượng hạt nhân?
 
Bài viết có tham khảo tại các nguồn:
 
 

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

CÀNG BIẾT CÀNG THẤY TIẾC CHO VIỆT NAM CỘNG HÒA


Sau 36 năm Miền Nam rơi vào tay cộng sản, ngày nay không chỉ những người sinh sống tại Miền Nam Việt Nam trước đây, không công nhận lá cờ đỏ sao vàng của đảng cộng sản Việt Nam mà ngay cả những người trong nước cũng không tôn trọng lá cờ này mặc dù đó là lá cờ đang tung bay khắp lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Người Việt hải ngoại tôn trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ, không chỉ thuần túy vì đó là lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa, của chính phủ Miền Nam Việt Nam mà vì đó là một biểu tượng cho một quốc gia mà đáng lẽ dân tộc Việt Nam phải có, một chính phủ tự do dân chủ, một nền kinh tế thịnh vượng, một xã hội công bằng bác ái mà lá cờ đỏ và cái chính phủ Việt gian cộng sản ngày nay tại Hà Nội sau 36 năm làm chủ đất nước đã chứng minh những điều ngược lại.

Dĩ nhiên, lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ mà những người sinh sống tại Miền Bắc không quen mắt, không chấp nhận dù họ có thù ghét chế độ cộng sản mà họ đang sinh sống đến tận xương tủy. Người ta không thể chấp nhận một biểu tượng mà người ta không biết, không hiểu, không có những kỷ niệm đẹp, không hy sinh xương máu để bảo vệ nó. Nhất là khi chỉ một sớm, một chiều, những người Việt Nam không chấp nhận Cộng Sản đã mang theo lá cờ vàng trên đường lưu vong, dù phải trải qua những nơi địa ngục trần gian là những nhà tù của cộng sản, và đã phải để lại sau lưng quê hương yêu dấu, mảnh vườn nhỏ, mái nhà ấm cúng, con sông hiền hoà, sau khi đã được chứng kiến chủ nghĩa xã hội cộng sản tiêu biểu cho văn hoá, đạo đức, luân lý Việt Nam phân hoá dần dần trước mắt. Việt Nam Cộng Hòa mặc dù là một xã hội chưa hoàn bị nhưng đã hình thành được mọi cơ cấu của một xã hội văn minh, công bình và dân chủ. Người Việt sống tại Miền Bắc đói khổ, đã phải hy sinh mọi thứ cho nhu cầu chiến tranh theo sự tuyên truyền của cộng sản nên có thể nói hầu hết đều không biết gì về Việt Nam Cộng Hoà.

Việt Nam Cộng Hòa không phải là Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ… mà là xã hội Miền Nam Việt Nam xây dựng trên căn bản giáo dục. Đó là những cô bé, cậu bé đến trường mỗi buổi sáng, mặc đồng phục với nét mặt tinh anh trong sáng của tuổi thơ. Đó là những cô nữ sinh áo trắng dễ thương và ngoan ngoãn, thuần hậu trong gia đình. Đó là những thầy, cô giáo sống và hãnh diện với thiên chức của một bậc thầy và được mọi người trong xã hội kính trọng. Trước 1975 Việt Nam Cộng Hoà đã đào tạo nhiều chuyên viên với tiêu chuẩn quốc tế, văn bằng của VNCH được chính phủ Hoa Kỳ, Pháp và nhiều quốc gia khác công nhận tương đương hoặc gần tương đương. Nghề thầy do đó không phải là một thứ… “chuột chạy cùng đường mới vào sư phạm” như ngày nay. Nhưng trong ký ức của tuổi trẻ miền Nam Việt Nam thì Việt Nam Cộng Hoà là những con đường ngợp bóng lá me, các nam sinh đi theo nữ sinh mỗi khi tan học nhưng không dám có một cử chỉ sàm sỡ, một lời nói vô lễ. Phải nhắc đến điều này vì những kỷ niệm đẹp của thời thiếu niên thường ghi sâu trong ký ức người ta suốt đời:

Lời ru nào níu được
Lúc những cánh me xanh
Bay mềm con lộ nhớ
Em sau khung cửa đạn soi
Sách ngăn tầm mắt đời ngoài lộ cao
Khi không lòng bỗng dạt dào
Sông tôi cạn nước nguồn nào bỗng đi
(Bài Cho Người Trong Vườn Dược Thảo, thơ Du Tử Lê)

Cuộc chiến càng thảm khốc thì lại có biết bao thanh niên theo tiếng gọi của núi sông lên đường nhập ngũ để bảo vệ một hậu phương bình yên trong đó có cha, có mẹ, có anh, có em, có cái gia đình nhỏ bé của mình. Đó là lý tưởng. Đó là những chàng trai anh hùng của thế hệ. Hàng trăm ngàn bài hát, bài thơ đã được viết ra trong giai đoạn này và cho đến nay vẫn còn là nguồn cảm hứng bất tận cho toàn nước Việt Nam thống nhất. Nó chính là “nhạc vàng” của văn hoá Việt:

Anh rót cho khéo nhé
Kẻo trúng nhằm nhà tôi
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý có người tôi thương.
(thơ Yên Thao)
Hay
Năm năm rồi đi biệt
Đường xưa chưa lối về
Thương người em năm cũ
Thương goá phụ bên song
(thơ Phạm Văn Bình)

Hình ảnh của những tân sinh viên sĩ quan trong quân phục đại lễ ngày tốt nghiệp ở Đà Lạt, ở Nha Trang, ở Thủ Đức là những hình ảnh tinh anh của dân tộc Việt, không phải là hình ảnh của “nợ máu với nhân dân” sau ngày 1975 đâu. Họ đã chọn binh nghiệp để bảo vệ từng tấc đất của quê hương đang bị dày xéo vì bom đạn gây ra bởi bọn lãnh tụ cộng sản vô thần. Bây giờ sau 36 năm nhìn lại, nhìn thế hệ thanh niên tan rã mệt mỏi, tương lai không lối thoát của Việt Nam thời cộng sản mà thương cho họ không biết là bao nhiêu. Thương tuổi thơ của những người không lý tưởng, chỉ nắm “cái đuôi của đảng cộng sản Việt Nam” mà nhìn ra thế giới bên ngoài và trở thành một thế hệ “vô cảm” đến rợn người. Đời sống chỉ còn là sự tranh đua để đạt được điạ vị trong đảng vì quyền đi với tiền. Bằng được mua bằng tiền chứ không cần học để có kiến thức. Trong một quốc gia nghèo đói vào hàng nhất thế giới nhưng có hàng nửa triệu “tiến sĩ ma” làm trò cười cho thế giới.

Xã hội Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 không phải là hoàn toàn trong sạch, không có bóng dáng của tham nhũng nhưng tham nhũng không phải là một chính sách để cai trị nước như đảng cộng sản Việt Nam ngày nay. Người dân Miền Nam sống hiền hoà trong tôn ti trật tự, trong đời sống hàng ngày, họ không phải đối đầu với cảnh sát, công an. Không phải bất cứ khi nào có việc liên hệ với chính quyền thì phải trả tiền cho công an từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương. Khi vào bệnh viện, không có việc đút lót tiền thì mới có được giường nằm. Trẻ con học giỏi thì được xếp hạng cao, được cho đi du học dù là con nhà nghèo. Sĩ quan đánh trận oai hùng, gan dạ thì được thăng thưởng. Nhà cháy thì được cứu hỏa chữa cháy chứ không phải trả tiền mới được chữa cháy.

Về chính trị, Việt Nam Cộng Hoà là một nước dân chủ tự do thực sự mặc dù cũng có những khuyết điểm. Trước 1975 tại Miền Nam Việt Nam, chính phủ công nhận đối lập, cho biểu tình chống đối tự do nên từ những năm 1965 đã có nhiều cuộc biểu tình chống Mỹ, chống Thiệu Kỳ, chống tham nhũng thoải mái của sinh viên học sinh, của nhân dân. Có những ông giáo sư đại học nhận mình là thành phần thứ ba, theo chủ thuyết xã hội chứ không phải là chủ thuyết Mác Lê công khai ra báo, viết sách, viết luận án đại học lên án chính phủ, lên án chiến tranh, nhưng lại ve vãn cộng sản vì lý luận ấu trĩ rằng chính phủ Miền Nam bị Mỹ giựt dây, muốn chấm dứt chiến tranh thì phải nói chuyện với Hà Nội. Kinh tế thương mại tự do không bị chính phủ kiềm chế, về an ninh xã hội người dân được luật pháp bảo vệ, cảnh sát công an ức hiếp nhân dân bị truy tố ra trước pháp luật ngay.

Xã hội Miền Nam tự do tạo môi trường để tinh anh phát tiết trên mọi phương diện. Ngày nay, sau 36 năm nhìn lại, đảng cộng sản Việt Nam vẫn không biết rằng khi giam hãm, đầy đọa hàng triệu người sống ở Miền Nam có liên hệ với chính quyền đem nhốt vào ngục tù, họ đã hủy diệt đi hầu hết những nhân tài về mọi mặt của đất nước, những trí thức khoa bảng mà có thể vài trăm năm sau, Việt Nam chưa thể có lại. Miền Nam Việt Nam không chỉ “sản xuất” có hai “thiên tài” là Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng đâu. Nhưng Việt cộng chỉ “chấp nhận’ có hai người này vì một anh thì trốn lính, sống hèn mọn trong sự che chở bao dung của chính phủ Miền Nam tôn trọng nghệ sĩ, còn người kia thì mang bệnh tâm thần. Cứ đếm lại số sách đã được xuất bản tại Miền Nam trong 20 năm từ 1954 đến 1975, từ khoa học đến chính trị, từ truyện ngắn, truyện dài, thơ văn đến âm nhạc rồi so sánh với 60 năm cộng sản CAI TRỊ Việt Nam thì sẽ hiểu.

Do đó, so với xã hội Việt Nam dưới thời Việt gian cộng sản thì xã hội Việt Nam Cộng Hoà là thiên đường, là con đường mà Việt Nam cần nhiều thập niên mới “back to the future” được. Những người Việt Nam sống tại Miền Nam trước 1975, biết rõ điều này. Lá cờ vàng và danh hiệu Việt Nam Cộng Hoà vì sao vẫn được họ sùng kính dù Việt Nam Cộng Hoà đã mất đi phần đất cuối cùng đã 36 năm
***
Vì không được sống, không được trưởng thành, không được hoạt động chính trị, văn hoá hay sống đời quân ngũ của xã hội Miền Nam nên không có gì ngạc nhiên khi những người trí thức Cộng Sản thù ghét bọn cầm quyền cộng sản vì đã hất cẳng họ, đã đẩy họ ra khỏi nước, rồi vì hậm hực nên suốt ngày ngồi viết những điều phản đối bọn cầm quyền cộng sản nhưng vẫn vinh danh bác Hồ và “kẻ cả” xem cộng đồng Người Việt hải ngoại là những kẻ bại trận, lá cờ vàng là vô nghĩa nên không muốn đoàn kết để lật đổ chế độ độc tài cộng sản mà họ là một thành phần cốt cán trước đây. Sống nơi xứ sở tự do này, chúng ta nên tôn trọng họ. Thái độ không muốn đứng chung trong hàng ngũ với Người Việt quốc gia cũng là một điều dễ hiểu: bối cảnh lịch sử do đảng cộng sản Việt Nam từ 60 năm qua đã chia dân tộc và đất nước Việt Nam ra thành nhiều khối: trí thức, công nhân, cộng sản, quốc gia, vv…vv… Điều khó hiểu là những người cán bộ đảng trung kiên bị thất sủng như ông Nguyễn Minh Cần, ông Bùi Tín, ông Vũ Thư Hiên thường viết bài dạy Người Việt quốc gia, những công dân của Việt Nam Cộng Hoà chống cộng trong khi họ nhìn thấy trước mắt, cái đảng tạo ra họ, cho họ một vị thế, một tên tuổi, chính cái đảng đó đang làm tan rã đất nước và con người Việt Nam. Cái đảng bất nhân đó đang chia 85 triệu Người Việt ra làm hai khối: đại đa số quần chúng bình dân, không có phương tiện về an sinh xã hội, không có giáo dục, sống đời nô lệ phục vụ cho một thiểu số cán bộ tham ô mà ngôn ngữ Việt cộng gọi là “quan tham”. Cái đảng bất nhân đó đang đưa đất nước đến cái họa diệt vong trong tay Tàu Cộng.

Sau 1975, Người Việt Quốc Gia, những công dân của Việt Nam Cộng Hoà vì thất thế nên chúng gọi là “ngụy”, đày ải quân dân cán chính trong rừng già để chết dần chết mòn, gia đình ly tán, con cái thất học, nên bằng mọi cách Người Việt Quốc Gia phải ra đi và bằng ý chí cương cường quật khởi cuả dân tộc Việt Nam, khối Người Việt Tự Do, những công dân cuả Việt Nam Cộng Hoà đã chọn thế giới làm lãnh thổ, phát triển tài lực và trí tuệ, ngăn chận được sự tuyên truyền và bành trướng của bọn Việt gian cộng sản khắp nơi. Có mà nằm mơ, người ta cũng không thể nghĩ rằng những công dân Việt Nam Cộng Hòa trong điều kiện sinh sống dù lưu vong, dù trong lao tù cộng sản đã giữ vững được ý chí chống cộng đến thế. Thế hệ thứ hai của cộng đồng Người Việt tị nạn cộng sản, của những công dân của Việt Nam Cộng Hòa vẫn giữ được nguyên vẹn đạo đức và luân lý của Việt Nam. Trong mọi gia đình, những đứa trẻ không nói rành tiếng Việt hay nói tiếng Việt với giọng ngọng nghịu của người bản xứ nhưng đều là những đưá trẻ ngoan ngoãn vì chúng biết rằng cha mẹ chúng phải lưu vong, phải hy sinh nhiều để chúng được lớn lên ở một đất nước tự do, có cơ hội để phát triển trí tuệ, những điều chúng sẽ không có được nếu sống dưới một chế độ cộng sản, như Việt Nam cộng sản ngày nay, như Cuba, như Bắc Hàn, hay ngay cả Trung cộng…

Nhưng những người như ông Nguyễn Minh Cần, ông Bùi Tín đâu phải là ngụy. Các ông này là những “trí thức cộng sản” lớn lên trong lòng chế độ. Đáng lẽ các ông đừng hèn, hãy ở lại Việt Nam, hãy kêu gọi nổi dậy, hãy dẫn dắt toàn dân chống lại cái đảng cướp đã tạo ra các ông, hãy cho toàn dân biết ‘chúng” đã đi sai… đường cách mạng. “Con đường Bác đi” cuả các ông không lẽ lại là con đường… bi đát, đưa hàng trăm ngàn gái Việt ra hải ngoại lấy chồng Đại Hàn, Đài Loan, làm mãi dâm mới có cơm ăn? “Con đường Bác đi” không lẽ lại là con đường dâng nước Việt cho Tàu? Các ông hãy can đảm đứng dưới ngọn cờ do các ông lựa chọn miễn là các ông bảo vệ được dân, được đất nước khỏi rơi vào tay giặc là được.

Hãy hành động như các chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã làm trước khi bị tước súng vì một thế cờ chính trị thế giới: họ đã đứng lên, đã anh dũng hy sinh, đã chống lại áp bức của chính quyền để bảo vệ dân, bảo vệ từng tấc đất Miền Nam để rồi đảng các ông đã lừa gạt dân Miền Bắc, đưa họ vào Nam, đem sinh mạng làm bia đỡ đạn để “giải phóng” một Miền Nam trù phú, một xã hội tôn ti trật tự, đạo đức văn hoá, luân lý cần được bảo tồn.

Mới đây có một bài viết của một người thuộïc thế hệ trẻ có tựa đề “Hãy để cho Việt Nam Cộng Hòa lùi vào dĩ vãng một cách tự nhiên” do diễn đàn danchimviet.info (BBT: Trong bài, tác giả viết .com) phổ biến với lời toà soạn như sau:
LTS: Trong công cuộc đấu tranh dân chủ hóa VN hôm nay, tìm hiểu tư duy của lớp người trẻ không tham dự vào cuộc chiến quốc-cộng trước kia – mà sẽ là chủ lực cách mạng nay mai – là một điều cần thiết. ĐCV chọn đăng bài viết của tác giả Tiên Sa trên mạng xã hội facebook cũng nằm trong tinh thần đó. Mời bạn đọc cùng suy tư và chia sẻ. (hết trích)

Nội dung bài viết của người bạn trẻ này cũng như nội dung bài viết của ông cán bộ già thất sủng Nguyễn Minh Cần giống nhau ở chỗ: cuộc cách mạng lật đổ bạo quyền cộng sản chưa xảy ra nhưng họ đã sợ lá cờ vàng và chế độ Việt Nam cộng hoà được tái lập ở Việt Nam… sau 36 năm bỏ chạy. Đào Nương tôi không tin đây là bài viết của một người viết trẻ ở hải ngoại. Thật ra, tháng 4, 1975, Người Việt Miền Nam đã quá mệt mỏi với một cuộc chiến không lối thoát giữa hai ý thức hệ tự do và cộng sản. Cái thành trì bảo vệ thế giới tự do đã không còn đứng vững sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon qua gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai. Giữa một bên chiến đấu với viện trợ có điều kiện và một bên được viện trợ vô điều kiện (?) của khối cộng sản, sự chiến thắng khó lòng ở về phía VNCH.

Khi buông súng năm 1975, Người Việt Miền Nam đã muốn “Hãy để cho Việt Nam Cộng Hòa lùi vào dĩ vãng một cách tự nhiên” để hai miền cùng nhau xây nước và dựng nước chứ. Nhưng việc gì đã xãy ra sau đó, chắc Ban Biên Tập của Đàn Chim Việt, nơi phát tán những bài viết của ông Nguyễn Minh Cần và “người bạn trẻ” Tiên Sa chắc đã biết rõ hơn ai hết: hàng triệu quân dân cán chính Miền Nam bị đầy vào lò “cải tạo”, gia đình họ bị đẩy đi vùng kinh tế mới, cướp nhà, cướp của, con cái họ không được đến trường. Cho đến ngày nay, những người sinh sống tại Miền Nam vẫn còn là những công dân hạng hai trên đất nước mình.

Vì nghĩ rằng “Hãy để cho Việt Nam Cộng Hòa lùi vào dĩ vãng một cách tự nhiên” nên hàng triệu người Miền Nam đã buông súng, xếp hàng đi tù cải tạo vì nghĩ rằng một giai đoạn chiến tranh tương tàn đã đi qua, đi trình diện một tháng rồi về sống đời công dân của một quốc gia độc lập và thống nhất. Chuyện gì đã xảy ra cho họ, cho những người sinh sống tại Miền Nam sau 1975?

Không lẽ ngày nay, trong công cuộc cứu nước, khi không còn ở vị thế cầm quyền thì những công dân của Việt Nam Cộng Hoà không thể là một tiếng nói đối lập với cái chính quyền vô nhân đang cai trị đất nước Việt Nam hay sao? Chúng ta sẽ đấu tranh để những người dân của đất nước Việt Nam dân chủ và tự do có quyền lựa chọn cho họ một đảng phái cầm quyền, họ sẽ biểu quyết về một lá cờ tượng trưng cho đất nước. Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay có 3 triệu đảng viên hầu hết là bọn thất học, tham ô. Cứ nhìn vào xã hội Việt Nam ngày nay thì thấy rõ. Cộng đồng Người Việt tị nạn cộng sản ở nước ngoài có 3 triệu người nhưng đồng thời họ cũng là công dân của những quốc gia tự do và dân chủ. Việc họ phải sống lưu vong ở hải ngoại không phải là một việc trốn chạy hèn nhát mà là hậu quả tất nhiên cuả một cuộc chiến tương tàn có kẻ thua, người thắng. Khi họ tập hợp để nói lên tiếng nói của Người Việt không chấp nhận chế độ cộng sản, một tiếng nói đối lập là một việc làm cần thiết khi Người Việt không thể làm được điều này ở quê hương. Tiếng nói đối lập này và lá cờ vàng trong giai đoạn này chắc hẳn là cần thiết cho công cuộc đấu tranh hơn là tiếng nói “lèm bèm” của những ông đảng viên thất sủng “chạy trốn” ra nước ngoài chứ?

Hy vọng bài viết này sẽ giải thích được phần nào tại sao Người Việt không cộng sản không thể “Để cho Việt Nam Cộng Hòa lùi vào dĩ vãng một cách tự nhiên” được. Vì đó là tương lai của đất nước Việt Nam. Đừng bàn cãi trên những trang giấy hay trên những trang mạng điện tử. Thực tế chứng minh cho hành động. Trong 60 năm, đảng cộng sản Việt Nam đã tàn phá đất nước và con người Việt Nam đến tận cùng đáy vực, khi các ông “trí thức cộng sản” đủ hết hèn để la làng (nhưng cũng phải núp đàng sau cái xác còn thở của “đại tướng”) về cái họa mất nước mà cũng chỉ như tiếng rên trong lăng Ba Đình cuả cái xác thối rữa chưa chôn thì chúng ta có cần bàn cãi thêm về cờ vàng hay cờ đỏ không? Ngược lại, chỉ trong 36 năm, cộng đồng Người Việt tị nạn cộng sản đã “bành trướng” điạ bàn hoạt động khắp năm châu, những khu phố Việt Nam sầm uất, vững mạnh hơn các ChinaTown của người Tàu, mỗi năm cộng đồng Người Việt gửi về nuôi thân nhân hàng chục tỹ đô la. “Chạy trốn, thua trận” mà làm nên … nghiệp lớn như vậy trong khi bọn cộng sản Việt Nam thì co cụm lại trong các toà sứ quán, ra đường thì mắt la, mày lét sợ người dân bắt gặp. Lãnh tụ ngoại giao như tên Nguyễn Xuân Việt ở Jordanie thì hành xử như bọn đầu gấu, du đãng khiến thế giới phải bàng hoàng và người nữ công nhân 20 tuổi bị xúc phạm đã được Hoa Kỳ cho nhập cảnh vì lý do chính trị thì đủ hiểu.

Dĩ nhiên, ở đâu, xã hội nào thì cũng gồm đủ con gà, con công, con phụng… đừng nhìn vào đàn gà của cộng đồng Việt Nam hải ngoại rồi kết luận tất cả chỉ là một đàn gà mà lầm to. Nhưng có một điều có thể coi như là chân lý “không thay đổi” dù bên này hay bên kia bờ Thái Bình Dương: đảng viên cộng sản thì anh nào cũng hèn, cứ phải dựa vào nhau để sống còn, để được làm “quan tham” bóc lột dân lành. Chúng đoàn kết theo đúng tôn chỉ “tranh đấu đến cùng với kẻ thù, chỉ hoà giải với nội bộ”. Trong khi nếu vì tương lai dân tộc thì phải tìm cách liên kết mọi người với nhau chứ. Ra đến hải ngoại vẫn còn sợ lá cờ vàng nhưng tiền bạc của cờ vàng thì đưa lên mặt mà hít hà. Khinh bọn “thất trận, giặc ngụy” bỏ chạy, nhưng lại sợ chúng nó trở thành một thế chính trị đối lập trở về nhưng vẫn ra chính sách ve vãn Việt kiều. Chơi với cái đầu “ngụy” thì không dám chơi chỉ muốn chơi với các“khúc ruột thừa” của họ?

Việt Nam Cộng Hoà phải sống mãi trong lòng người Việt không cộng sản là vì thế! Vì không muốn nhận sự nhục nhã là công dân của một nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, muốn bảo vệ ngư dân cũng phải xin phép “thằng” Tàu Cộng!
Chúng ta hãy hành động. Tự cứu mình và cứu những người khác nữa. Vì tương lai, xin tất cả hãy tìm cách liên kết với nhau trong tình dân tộc.

Đào Nương

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

MỘT CÁCH LÝ GIẢI VỀ CHUYỆN HỒ CHÍ MINH MẤT QUYỀN LỰC TRONG NHỮNG NĂM CUỐI ÐỜI – BÍ ẨN CHUNG QUANH CHUYỆN HỒ CHÍ MINH BỊ THẤT SỦNG VÀO LÚC CUỐI ĐỜI

MỘT CÁCH LÝ GIẢI VỀ CHUYỆN HỒ CHÍ MINH  MẤT QUYỀN LỰC TRONG NHỮNG NĂM CUỐI ÐỜI
Với chức vụ chủ tịch Ðảng kiêm chủ tịch nước, và với tư cách là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Hồ chí Minh nói chung đã tạọ ra một cảm tưởng để người dân Việt Nam trong nước cũng như dư luận quốc tế bên ngoài đều cho rằng Hồ chí Minh có một quyền uy chính trị tuyệt đối trong Ðảng và đối với bộ máy nhà nước. Nhưng sau này khi có những tiết lộ động trời của cựu Ðảng viên cao cấp Nguyễn văn Trấn cũng như của người hầu cận thân tín Vũ Kỳ được tung ra, người ta thấy rõ ràng Hồ chí Minh đã bị đàn em dưới tay như Lê Duẩn và Lê đức Thọ tước hết quyền hành, thậm chí còn tạo dựng tai nạn máy bay để giết Hồ chí Minh nữa. Thế thì lý do nào đã đưa Hồ chí Minh đến chỗ thất thế đến nỗi bị đàn em ăn hiếp tàn tệ nhự vậy. Phải nhớ rằng thời kỳ Hồ chí Minh mất quyền lực là vào khoảng đầu thập niên 1960, cho nên cách lý giải thứ nhất là Hồ chí Minh mất quyền lực sau cuộc cải cách ruộng đất tàn bạo sai lầm. Cách lý giải thứ hai căn cứ vào một bản di chúc thật của Hồ chí Minh được tung ra ở hải ngoại sau 1975 với chữ viết tay của Hồ chí Minh. Chính vì chữ viết tay mà người ta có nhiều yếu tố căn bản để tin đây là bản di chúc thật của Hồ chí Minh. Cũng khó tìm được một kẻ nào ” rắn mắt ” chơi trò chúc thư giả vì chuyện giả chữ viết là một chuyện không dễ làm. Những điều tiết lộ trong chúc thư này đã phần nào giải thích một cách rốt ráo lý do tại sao Hồ chí Minh bị thất sũng và mất quyền lực trong những năm cuối đời.
Bức chúc thư của Hồ chí Minh được báo Con Ong Tỵ Nạn tại Paris tung ra vào năm 1981. Sau này được báo Thức Tỉnh của ông Nguyễn văn Nghi ở San Diego đăng lại nguyên văn. ( Tiện đây xin nhắn ai còn giữ số báo cũ Thức Tỉnh,hay ấn bản Con ong tỵ nạn ( Pháp ) có đăng trọn chúc thư của Hồ chí Minh xin liên lạc email: langbiant@yahoo.com để trao đổi thêm. Bài viết này chỉ trích đăng phần cuối bản chúc thư mà thôi). Nghe nói chữ viết trong bản chúc thư đã được đưa cho kiểm tự Pháp để kiểm chứng và đã được xác nhận là đúng chữ viết của Hồ chí Minh. ( Xin coi thủ bút của Hồ chí Minh trong di chúc ở cuối bài này).
Toàn bộ bản di chúc của Hồ chí Minh được công bố có nội dung như sau:
” Thời xưa ở bên Trung Quốc người ta thường nói, ” Con chim trước khi chết thì tiếng kêu thương, còn người trước khi chết thì lời nói phải.:
Tôi tự xét mình chẳng còn sống bao lâu nữa, nên cố gắng viết di chúc này, mong rằng những điều viết ra không phải là những điều sai quấy.
Vừa mới đây, Lê Duẩn có đi với Trần Quốc Hoàn tới gặp tôi, ép buộc tôi phải viết bản di chúc theo ý muốn của họ. Tôi đã viết mà trong bụng vẫn tấm tức vô cùng.
Nay tôi viết thêm tờ di chúc này, xin coi là chính thức. Ngoài ra tôi không công nhận bất cứ bản di chúc nào khác. Tôi ước mong một ngày nào đó, bản di chúc tôi viết đây sẽ được mọi người biết tới, thì ở thế giới bên kia tôi mới được thỏa lòng.
Tôi vốn con nhà nghèo nhưng từ bé đã nuôi mộng đảo lộn sơn hà, và đem lại vẻ vang cho nòi giống, nên tôi bôn ba hải ngoại bao nhiêu năm không hề quản ngại khó khăn, gian khổ, vào tù ra khám, chỉ mong có ngày tổ quốc ta độc lập, giàu mạnh, dân ta hạnh phúc, tự do.
Tôi thường đọc lịch sử nước Việt Nam ta, thấy có ông Trần Thủ Ðộ là một tay hào kiệt hiếm có trên đời, đã không quản ngại làm việc ác, làm phản mà gây nên cơ nghiệp hiển hách của nhà Trần, đuổi giặc Nguyên, đem lại vinh quang cho cả dân tộc về cả văn minh và đời sống.
Không lường sức mình, không đo tài mình, tôi đã hành động như ông Trần Thủ Ðộ nên đất nước mới tan nát, nhân dân ta mới điêu linh, mà đầu mình thì nặng nề không biết bao nhiêu tội ác, không thể nào tha thứ được.
Cái nhầm tai hại nhất của tôi là đi theo Cộng sản Mác Xít mà không biết là chủ nghĩa này chẳng qua chỉ là giả bộ, để đánh lừa giai cấp nghèo mà cướp lấy chính quyền cho nước Nga khi đó.
Tôi cũng ngay tình mà dùng những người hợp tác với tôi. Tôi cứ tưởng những người đó quý yêu tôi, đâu ngờ họ đều là mật thám của Nga sô, vây quanh tôi chỉ là để kiểm soát tôi, khéo léo hướng dẫn tôi đi theo con đường Nga đã vạch sẵn. Họ đề cao và tâng bốc tôi để khi nào làm điều gì độc ác thì tôi phải chịu hết trách nhiệm với dân tộc. Nhiều khi họ quyết định mà không hề cho tôi hay biết gì, như vụ cải cách điền địa ở Bắc Bộ chẳng hạn, bây giờ nhân dân có quyền rủa oán trách tôi không biết để đâu cho hết.
Dù sao tôi vẫn là người có tội, tôi không dám chối cãi, chỉ dám mong lịch sử sau này xét kỹ cho tôi mà đừng lên án tôi quá nặng nề.
Ðầu năm 1963, hồi đó tôi còn chưa bị bọn quanh tôi bao vây chặt chẽ quá, tôi có nhờ mấy nhân viên Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế Ðình Chiến chuyển vào Nam bộ hai cành đào lớn rất đẹp để tặng cụ Ngô đình Diệm, kèm theo một bức thư, trong thư đó, tôi có chân tình yêu cầu cụ Ngô cùng tôi thảo luận trong tình anh em, để hai bên cùng lo cho dân chúng hai miền, trên căn bản thi đua làm cho dân giàu, nước mạnh, theo đường lối riêng của từng người.
Truyện này lộ ra, làm cụ Ngô bị giết trong Nam, còn ở ngoài Bắc thì tôi bị kiểm soát rất khắt khe, không có quyền quyết định điều gì nữa cả. Ðáng lý ra tôi có thể bị giết ngay từ hồi đó rồi, nhưng tên tuổi còn được thế giới biết đến, nên họ còn phải lợi dụng mà để tôi sống thêm. Tôi đã già rồi, râu tóc đã bạc mà còn phải sống trong cảnh tù giam lỏng, cứ nghĩ đến điều này làm tôi ứa nước mắt. Họ đã không giết tôi nhưng sai ông Bác sĩ Tôn thất Tùng cho tôi uống thuốc độc để tôi không thể đi đâu được nữa, mà cũng không thể tiếp xúc với những người mà tôi muốn tiếp xúc. Tôi chưa chết ngay, nhưng là chết dần, chết mòn, ở biệt lập một nơi để đợi ngày tắt thở.
Thật cũng tiếc, khi về già, biết mình sai lầm, muốn chuộc lỗi mà không được nữa.
Trước khi viết phần cuối của tờ di chúc này, tôi xin thú nhận, tôi là một người không phải thần thánh gì nên khi tôi còn sống cũng đủ ” bảy tính ” như kinh nhà Phật đã đề cập. Tôi không có vợ, nhưng cũng có được đứa con gái lai Pháp. Tôi ước mong con gái tôi, khi đọc tờ di chúc này sẽ tha thứ cho tôi đã không đủ bổn phận làm cha, nhưng phụ tử tình thâm, tôi luôn nhớ tới con gái tôi với muôn vàn âu yếm.
Ai cũng tưởng tôi là con người vô thần, nhưng riêng Ðức cha Lê hữu Từ thì biết tôi rất tin có Ðấng Tạo Hóa. Vì tin có ông trời nên tôi xin khẩn cầu cho nước ta và các nước Cộng sản khác trên thế giới sớm thoát ách Cộng sản.
Tôi cũng xin ông Trời cho tờ di chúc này có ngày được phổ biến khắp nơi.
Cuối cùng, tôi xin lẩy Kiều, dùng hai câu thơ của cụ Nguyễn Du để tỏ lòng hối hận trước cao xanh:
Rằng con biết tội đã nhiều
Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam
Hà Nội 14-8-1969
Tên ký
Hồ chí Minh

Qua bức di chúc trên, ta có thể đưa ra những nhận định về sự trung thực được đề cập đến trong đó như sau:
Chuyện ông Hồ gửi cành đào tặng cho ông Diệm vào xuân 1963 là chuyện có thật. Sách báo Hà Nội sau 1975 đều dấu nhẹm chuyện ông Hồ tìm cách liên lạc với ông Diệm vì Cộng sản Việt Nam đánh giá chế độ ông Diệm như là một chế độ ngụy, tay sai của Mỹ nên chuyện liên lạc trao đổi với chế độ này có thể làm mất đi hào quang cách mạng của Miền Bắc. Khi chuyện tranh đấu Phật giáo nổ ra, áp lực người Mỹ ngày càng đè nặng lên chính quyền đệ nhất Cộng Hòa. Mỹ muốn giữ ông Diệm lại nhưng yêu cầu vợ chồng Ngô đình Nhu đi lưu vong. Và ông cố vấn Ngô đình Nhu đã tìm cách phá vỡ áp lực của Mỹ bằng cách tìm cách bắt tay với Miền Bắc. Nghe nói ông Nhu đã đi gặp Phạm Hùng tại Ðịnh Quán để trao đổi bàn bạc chuyện hợp tác. Dĩ nhiên chuyện bắt tay của Nhu chắc chắn được tiến hành với sự đồng ý của ông Diệm. Trưởng phái đoàn Ba Lan trong Uûy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Ðình Chiến lúc đó là ông Mieczyslaw Maneli đã làm nhiệm vụ con thoi liên lạc giữa hai miền Nam Bắc. Ông Maneli sau này định cư ở Tây phương và viết hồi ký kể lại mọi chuyện. Có lẽ tình báo Mỹ ở Sài gòn lúc đó đã phát hiện ra chuyện ông Nhu đi liên lạc với Cộng sản và từ đó phía Mỹ quyết định bật đèn xanh cho các tướng lãnh đảo chánh để dứt điểm chế độ Ngô đình Diệm. Về phía ông Hồ, như ông đã nói trong di chúc trên là sau khi tìm cách liên lạc để hòa giải hòa hợp với Miền Nam thì ông bị tước hết quyền hành vì Quốc Tế Cộng sản không dung thứ hành động thân thiện này của ông. Ðó cũng là một lối suy diễn hợp lý của ông về số phận thất sủng của ông. Và ông Hồ đưa ra nhận định Ngô đình Diệm bị giết vì chuyện toan bắt tay với Miền Bắc. Ðó cũng là một nhận xét chí lý của một người già dặn kinh nghiệm chính trị như ông.
Nói chung Miền Bắc cũng như Miền Nam đều rơi vào những gọng kềm của quốc tế. Nếu những người Việt Nam lãnh đạo ở hai miền không đi đúng sách lược của những thế lực quốc tế đề ra thì bị tiêu diệt ngay. Ngô đình Diệm bị giết và Hồ chí Minh bị thất sủng vì đã không đi đúng đường lối sách lược của quan thầy đề ra. Nói thế để thấy hai miền Nam Bắc chưa bao giờ hưởng được sự độc lập thật sự mà rơi vào thế bị khống chế bởi những gọng kềm quốc tế: một bên là Tư Bản, một bên là Quốc Tế Cộng Sản.
* Trong di chúc này, Hồ chí Minh chỉ nhắc đến cô con gái lai Pháp mà lờ đi hai cậu con rơi là Nguyễn tất Trung ( có mẹ là Nông thị Xuân ) và Tổng bí thư hiện nay là Nông đức Mạnh ( có mẹ là một phụ nữ thiểu số người Tày ). Lý do ông lờ đi có lẽ vì lý do an ninh vì Miền Bắc vốn thần thánh hóa con người ông, tô vẽ ông là một con người không lấy vợ, hoàn toàn hy sinh cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng đất nước, nếu xì ra chuyện có con rơi trong nước thì số phận của con rơi này cũng không được an toàn. Cho tới giờ này người ta không biết số phận của Nguyễn tất Trung ra sao, chỉ biết là sau khi mẹ Trung là Nông thị Xuân bị thủ tiêu thì Trung được giao cho người hầu cận thân tín của Hồ chí Minh là Vũ Kỳ nuôi; còn Tổng bí thư hiện tại Nông đức Mạnh thì luôn miệng chối bai bải ông Hồ không phải là cha ruột của ông ! Dĩ nhiên Nông đức Mạnh đứng vào cái thế không thể nhận ông Hồ là cha ruột vì Hà Nội đã biến ông thành một ông thánh không hề có vợ con từ lâu !
Nói chung Hồ chí Minh có cả thảy 4 người vợ ïđược mọi người sau này biết đến là Nguyễn thị Minh Khai ( vốn là chị ruột của Nguyễn thị Minh Thái, vợ đầu của Võ nguyên Giáp), người vợ Tàu Tăng tuyết Minh, và người vợ gốc thiểu số Nông thị Xuân, người vợ thiểu số mẹ của Nông đức Mạnh. Nói chung là Hồ chí Minh có 4 vợ được mọi người biết đến, không biết ông còn có người vợ nào còn nằm trong bóng tối nữa hay không. Có lẽ noi theo gương ông nên Lê đức Thọ có 2 vợ, Lê Duẩn có 3 vợ. Xem ra những tay lãnh đạo Ðảng Cộng sản Việt Nam, tay nào cũng dồi dào về vấn đề sinh lý. Âu đóù cũng là thứ ” đạo đức cách mạng ” mà họ kín đáo dạy dỗ cho toàn dân noi theo!
Trong bản chúc thư có những dấu ấn của Hồ chí Minh như viết tắt chữ ” d” thành chữ ” z”. Thí dụ ” di chúc ” thành ” zi chúc”, ” Nguyễn Du ” thành ” Nguyễn Zu” , ” Dẫu rằng” thành ” Zẫu rằng “. Từ hồi xa xưa, khi viết cuốn sách ” Ðường Cách Mạng ” Hồ chí Minh đã viết thành ” Ðường Kách Mạng” ( dùng chữ ” k” thay cho chữ ” c”). Chỉ với yếu tố cách viết đặc biệt này làm người ta càng tin tưởng thêm đây chính là chúc thư thật của Hồ chí Minh.
* Bức chúc thư có nhắc đến ” bảy tính của nhà Phật ” . Bảy tính đó là : Hỉ, Nộ, Ái , Ố, Bi , AI , Dục, tức những trạng thái vui, buồn, giận ghét thông thường của một con người. Nhân chuyện Hồ chí Minh có nhắc đến nhà Phật thì cũng nên nói thêm là nên nhìn lý thuyết ” Nhân Quả ” của nhà Phật để nhìn vào cuộc đời Hồ chí Minh để thấy cái chính xác của lý thuyết này. Lúc Hồ chí Minh còn sống, ông cũng thú nhận trong chúc thư, cũng như ai cũng biết là ông đã làm những chuyện cực kỳ độc ác, đến lúc về già thì bị giam lỏng cho chết dần, chết mòn một cách thê thảm. Lúc chết rồi thì ý nguyện hỏa táng xác thân cũng không được thi hành mà bị móc bụng nằm trong lăng cho thiên hạ coi. Ðúng là chết rồi mà còn bị mổ bụng không cho chôn! Thật là một hình phạt nặng nề mà ông phải chịu để trả những tội ác mà ông đã tạo ra lúc sinh thời. Mong những kẻ đang làm ác sẽ trông gương Hồ chí Minh mà cảnh tỉnh để ” làm lành, lánh dữ ” trước khi quá trễ.
Có vài điều suy luận để thấy chúc thư này là chúc thư thật dựa trên những lý luận sau:
* Người Cộng sản không bao giờ công bố ra chúc thư này vì trong chúc thư ông Hồ mong mỏi nước Việt Nam và các nước khác sớm thoát ách Cộng sản. Ðó là điều tối kỵ đối với Cộng sản. Dĩ nhiên Cộng sản cũng không bịa đặt ra chúc thư giả vì nó không mang lại lợi ích gì cho Cộng sản mà mang lại nhiều sự rắc rối, khó xử thêm.
* Người quốc gia không thể công bố cũng như không làm chúc thư giả để bênh vực cho Hồ chí Minh, vốn là kẻ tử thù của người quốc gia
* Vậy thì còn giả thuyết chỉ có những kẻ rắn mắt công bố chúc thư này như một chúc thư giả để làm trò đùa. Ðiều này cũng khó làm vì giả nét chữ Hồ chí Minh không phải là chuyện dễ. Chuyện giả chữ viết chỉ có thể qua mắt người thường, chứ không thể qua mặt nhân viên kiểm tự chuyên nghiệp. Vào những năm trước có kẻ công bố Nhật ký của Hitler nhưng rồi các nhà kiểm tự nhảy vào làm việc. Họ đem nét chữ thật của Hitler để so sánh với nét chữ của cuốn hồi ký được cho là của Hitler và tìm ra ngay đây là cuốn hồi ký giả. Ðây là một trò bịp bợm giả chữ viết Hitler để làm tiền thế thôi.
Chỉ có điều lấn cấn ở đây là người công bố chúc thư này, vì một lý do tế nhị an ninh nào đó mà chưa công khai ra mặt. Ðiều này cũng dễ hiểu vì chế độ Cộng sản Việt Nam vẫn còn đó, chuyện công bố cách thức và tên tuổi người tung bức chúc thư thật của Hồ chí Minh ra ngoại quốc có thể làm liên lụy đến những người liên hệ. Mong sao chế độ Cộng sản Việt nam sớm sụp đổ để người công bố chúc thư này sẽ có cơ hội giải thích rõ ràng hơn và chúc thư này do đó sẽ có giá trị thật sự hoàn toàn.
Bùi Tín có kể chuyện vào năm 1989, Vũ Kỳ có gặp ông và cho biết bản chúc thư mà Hồ chí Minh viết cho Lê Duẩn công bố với toàn dân ( mà trong di chúc thật Hồ chí Minh thú nhận là phải viết theo sự bức bách của Lê Duẩn )cũng bị cắt xén vì có những đoạn không hợp ý Lê Duẩn. Chỉ riêng chuyện Vũ Kỳ công bố sự thật này cũng làm cho ông bị Bộ chính trị Ðảng gọi lên hạch sách và răn đe. Ngay trong di chúc trao cho Lê Duẩn, Hồ chí Minh đã nói lên mong muốn là khi qua đời, ông mong thân xác ông sẽ được hỏa táng và tro cốt được rải trên núi sông, nông dân được miễn thuế trong vài năm. Lê Duẩn đã không theo lời di chúc để hỏa táng mà trái lại cho xây lăng để triển lãm cái xác ông cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Chuyện miễn thuế theo lời yêu cầu của Hồ chí Minh cũng bị bỏ qua.
Bùi Tín kể rõ chuyện này như sau:
“ Năm 1989, nhân dịp 20 năm ngày mất của ông Hồ chí Minh, ông Vũ Kỳ, nguyên thư ký của ông Hồ chí Minh đã cùng tôi bàn nhau phải đưa toàn bộ Di chúc ra ánh sáng. Không thể mập mờ mãi được. Không thể quịt của người nông dân một năm thuế.
Ông Hồ chí Minh bắt đầu viết Di chúc từ tháng 5-1965, sau đó cứ vào tháng 5 hàng năm lại viết lại, viết thêm. Cho nên có tới bốn bản di chúc bổ sung cho nhau. Ông Vũ Kỳ kể chuyện là ngày 2-9-1969, sau khi ông Hồ chí Minh mất, vào buổi tối ông Phạm văn Ðồng đến nơi đặt thi hài ông Hồ. Ông Vũ Ký đưa ra chiếc phong bì lớn đựng cả bốn bản Di chúc. Ông Phạm văn Ðồng đưa cả hai tay ra ngăn lại, ” Không, tôi không nhận. Ðây là chuyện hệ trọng, để ngày mai, có đầy đủ bộ chính trị, đồng chí đưa ra.” Sáng 3-9-1969, có đầy đủ Bộ Chính Trị, ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc phong bì lớn ấy. Ông Lê Duẩn liền cầm lấy rồi gọi ông Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân vào phòng nhỏ bên cạnh. Ông Duẩn tự quyết định chỉ đưa ra một bản, cắt bỏ, sữa chữa vài chỗ rồi giao cho ông Hoàng Tùng công bố. Tất cả các bản còn lại ông Duẩn giao cho ông Trần quốc Hoàn giữ như văn kiện tuyệt đối bí mật. Cho đến khi ông Trần quốc Hoàn thôi chức Bộ trưởng Bộ Công An và chức ủy viên Bộ Chính Trị ( tháng 3-1982), ông Vũ Kỳ không tài nào lấy lại được tập Di Chúc ấy. Chỉ đến khi ông Trần quốc Hoàn ốm nặng, ông Vũ Kỳ mới moi được bí mật qua lời hấp hối của ông Trần quốc Hoàn, ” ..trong két sắt đặt ở nhà riêng, ngăn thứ hai, tầng dưới cùng.” Thế là cả tập nguyên bản di chúc được tìm thấy.
Tháng 5-1989, tôi bàn với ông Vũ Kỳ, đặt ông viết một bài báo đặc biệt kể Chủ tịch Hồ chí Minh viết Di Chúc như thế nào, đăng trên tuần báo Nhân Dân chủ nhật do tôi trực tiếp biên tập. Phản ứng của lãnh đạo rất mạnh. Một số ủy viên Bộ Chính Trị đã lên án hai chúng tôi là làm một việc tầy trời, dám công bố văn kiện quan trọng bậc nhất của Chủ tịch Hồ chí Minh mà chưa được phép của Bộ Chính Trị. Trước những cặp mắt nghiêm nghị của bốn ủy viên Bộ Chính Trị Nguyễn thanh Bình, Ðào duy Tùng, Nguyễn đức Tâm, Ðồng sĩ Nguyên và Trưởng ban tư tưởng và văn hóa Trần trọng Tân, ông Vũ Kỳ rất điềm tĩnh. Ông trả lời, ” Tôi đâu có công bố Di Chúc, tôi chỉ viết theo yêu cầu của anh Thành Tín ở báo Nhân Dân. Nhân đây tôi cũng xin báo cáo suốt hai mươi năm nay tôi ăn không ngon, ngủ không yên, cho đến khi nào toàn bộ Di Chúc của Bác đến được với nhân dân.” Sau đó Bộ Chính Trị phải họp hai lần để bàn riêng về việc này và cuối cùng phải đưa ra Quốc Hội bàn về việc công bố toàn bộ các bản Di Chúc, đồng thời quyết định giảm thuế nông nghiệp trong hai năm, mỗi năm 50%. Ông Vũ Kỳ và tôi rất mừng, cùng nhau cụng một cốc bia, nghĩ rằng thế là bà con nông dân ta bị hy sinh nhiều nhất về người và của trong chiến tranh cũng đỡ khổ được đôi chút.
Riêng về việc xây lăng Chủ Tịch Hồ chí Minh, rất nhiều trí thức, cán bộ và đồng bào cho rằng không nên làm điều ngược với nguyện vọng thiêng liêng của người sắp từ giã cõi đời, nhất là khi nguyện vọng ấy lại cao đẹp. Chủ Tịch Hồ chí Minh yêu cầu không nên phúng viếng linh đình, tốn kém, mong thi hài mình được hỏa thiêu, vậy mà nguyện vọng ấy không được thực hiện. Thi hài ông không được nhập vào đất đai của quê hương, vẫn nằm trong một chiếc lăng đồ sộ mà lạnh lẽo, tốn kém biết bao nhiêu vật liệu và công sức của nhân dân…..
( Trích Hồi Ký ” Hoa xuyên tuyết ” của cựu Ðại tá Bùi Tín, xuất bản năm 1991, trang 118, 119 , Nhà xuất bản Nhân Quyền )
Nguyện ước khi chết đi được hỏa táng được Hồ chí Minh viết trong di chúc như sau :
“ Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân.
Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là ” hỏa táng “. Tôi mong rằng cách hỏa táng sau này sẽ được phổ biến. Và như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì ” điện táng ” cũng tốt hơn.
Tro thì chia làm 3 phần, bỏ vào 3 hộp sành, một hộp cho miền Bắc, một hộp cho miền Trung, một hộp cho miền Nam.
Ðồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả không nên có bia đá, tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.”
Lê Duẩn đã đục bỏ ước nguyện hỏa thiêu này của Hồ chí Minh khi công bố Di Chúc của Hồ cho nhân dân Miền Bắc. Trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị, Hồ chí Minh đã giết oan quá nhiều người nên sự oán thù đối với ông vẫn còn dai đẳng dù ông đã nằm xuống. Nhưng mà thôi, nghĩa tử là nghĩa tận”, nền văn hóa Việt Nam cao đẹp của chúng ta đã dạy chúng ta là không nên hận thù người đã chết. Chỉ mong sao chế độ Cộng sản sớm sụp đổ để nguyện ước hỏa thiêu thân xác của ông Hồ được thỏa mãn. Tro bụi ông sẽ đi vào lòng đất mẹ, cát bụi rồi sẽ trở về cát bụi. Có nhìn thấy cái chết mới thấy thân phận nhỏ nhoi yếu đuối của con người trước vũ trụ bao la. Cho dù người đó có quyền lực to lớn thế nào đi nữa thì khi nằm xuống cũng trở thành cát bụi vô tri. Vấn đề của người làm chính trị là làm sao sau khi mình qua đời, nhân dân vẫn dành cho mình sự yêu mến, tiếc thương. Chuyện xây mồ xây mả chỉ là những hình tướng bên ngoài, không có tác động ảnh hưởng dài lâu đối với dòng sống của một dân tộc. Di sản đáng quý thật ra là những tinh thần cao đẹp mà người quá cố để lại. Lưu danh muôn thuở hay lưu xú vạn niên là cũng do những hành động làm lúc còn sống và lưu truyền đến các thế hệ sau. Lịch sự rất công bình và sẽ định công, luận tội rạch ròi bất cứ người nào có những ảnh hưởng đến sự sống còn và phúc lợi của đất nước và nhân dân.
Cuộc đời Hồ chí Minh quả có nhiều bí mật nhưng rồi không có gì bí mật dưới ánh sáng mặt trời. Mọi chuyện uẩn khúc dần dần được phơi bày trọn vẹn để công chúng có thể nhìn thấy con người thật của Hồ chí Minh. Cũng như sau này nhiều tài liệu và chuyện kể được công bố thì người ta mới thấy được Thủ tướng Phạm văn Ðồng chỉ là tay sai của phe Duẩn – Thọ và hoàn toàn không có quyền hành gì cả. Chuyện ông Ðồng không dám nhận di chúc Hồ chí Minh mà Vũ Kỳ giao cho ông cũng đủ nói lên điều đó.
Nhìn chuyện ông Hồ bị thất sũng và ông Diệm bị giết khi tính chuyện hòa hợp, hòa giải với nhau cũng đủ cho thấy gọng kềm quốc tế khống chế hai ông đến như thế nào. Thân phận nhược tiểu của nước Việt Nam nói chung là không có chủ quyền và hầu như bị các thế lực quốc tế điều động, giựt dây và chi phối trên cả hai miền Nam, Bắc. Mỹ nắm quyền sinh sát ở miền Nam cũng như Quốc Tế Cộng Sản nắm quyền chủ động , sai khiến ở miền Bắc. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có quyền độc lập thực sự trong gần thế kỷ qua. Người lãnh đạo tương lai của Việt Nam nên lấy đó làm gương để khéo léo tránh né để không bị gọng kềm quốc tế nào điều động và chi phối. Có thế Việt Nam mới mong có một nền độc lập thật sự chứ không phải là thứ độc lập hão mà Việt Nam đã có trong mấy mươi năm vừa qua. Khi có được một nền độc lập thật sự thì mới mong xây dựng được một nước Việt Nam có chủ quyền, để từ đó mới mong đề ra những chính sách ích quốc, lợi dân, không lệ thuộc vào bất cứ thế lực quốc tế nào. Có độc lập dân tộc mới xây dựng được bản sắc dân tộc và lấy đó làm nền móng cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước dài lâu.

Lawndale, một ngày nắng hạ chói chang giữa tháng 6 năm 2003.
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG


BÍ ẨN CHUNG QUANH CHUYỆN HỒ CHÍ MINH BỊ THẤT SỦNG VÀO LÚC CUỐI ĐỜI
Từ trước đến nay, ai cũng nghĩ Hồ chí Minh là một lãnh tụ với quyền uy tuyệt đối, xem ra quyền hạn còn hơn ông vua ngày xưa vì cả nước đều bắt buộc phải kính mến ngưỡng mộ ông như một ông thánh sống. Sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm năm 1975, Ðảng Cộng sản lấy tên ông để đặt cho thành phố Sài gòn và đi đâu người ta cũng thấy khẩu hiệu ” Sống, chiến đấu, lao động theo gương Bác Hồ vĩ đại ” . Người ta nghĩ ông có một quyền uy tuyệt đối như Kim nhật Thành ở Bắc Hàn hay Fidel Castro ở Cuba. Nhưng rồi dần dà với những bí mật dần dần được tiết lộ ra bởi những đảng viên dưới quyền như Nguyễn văn Trấn, Sơn Tùng với những bằng chứng cụ thể, người ta thấy ông đã bị thất sủng vào lúc cuối đời. Hai nhân vật Lê Duẫn và Lê đức Thọ đã ” đì ” và ăn hiếp ông đến độ tàn tệ như đã ăn hiếp Võ nguyên Giáp và hai ông họ Lê này đã có lần mưu sát hụt Hồ chí Minh. Vì sao một người chủ tịch Ðảng kiêm chủ tịch nước và vốn là một cán bộ Cộng sản gộc do Quốc tế Cộng sản đưa về Việt Nam hoạt động như Hồ chí Minh lại bị thứ đàn em như Lê Duẩn và Lê đức Thọ khống chế đến độ ông coi như không còn một chút quyền hành tối thiểu nào trong những năm tháng cuối đời ? Ông đã phạm những sai lầm nào để đến nỗi thất thế như thế. Bài viết này xin trưng ra những tài liệu do những đảng viên dưới quyền viết để chúng ta có thể suy luận thêm về lý do tại làm sao Hồ chí Minh đã bị tước hết quyền hành bởi Lê Duẩn và Lê đức Thọ ? Nhân đó mà có một cái nhìn trung thực hơn về lịch sử và diễn tiến hành động của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Vào năm 1995, nhà xuất bản Văn Nghệ ở hải ngoại cho xuất bản cuốn sách ” Viết cho mẹ & Quốc hội ” của Ðảng viên cao cấp Nguyễn văn Trấn. Cuốn sách này được coi như ” kinh thiên động địa ” vì những lời nói thật, nói thẳng của người Ðảng viên gốc Nam kỳ này. Trong cuốn sách , Nguyễn văn Trấn có thuật lại một cuộc họp do bạn ông là Bùi công Trừng kể lại, trong đó Lê đức Thọ tỏ ra hống hách và coi Hồ chí Minh không ra cái gì cả. Nguyễn văn Trấn viết:
“ Chuyện họp ” lần thứ 9 ” này làm sao tôi biết được vài điều muốn khóc?
Ôi ! Người rất thân với tôi là Bùi công Trừng và Ung văn Khiêm ( chưa nói đến Lê Liêm và Xuân Thủy, nhà ở cách bứt khó gặp )
Với cái giọng ” mẹ đời “, Bùi công Trừng nói với tôi:
_ Cái thằng Lê đức Thọ trước giờ họp, nó đi đi, lại lại trong phòng, như thể đội trưởng một tổ pháo đi kiểm tra đốc thúc pháo binh chuẩn bị.
Nó không hút thuốc. Nhưng hôm nay nó cầm lon thuốc Ðại Tiền Môn ở tay này, tay kia nó cầm bật lửa thứ như chày giã gạo. Nó đi lựa mặt mà chìa lon. Nguyễn khánh Toàn tay ăn hút thấy thuốc lá Trung Quốc như lân thấy pháo. Nó mở hộp lấy một điếu, ngậm rồi chìa mồm ra. Thằng Thọ đánh bật lửa cái ” beng “. Ðứng xa thấy thằng Toàn gật đầu. Thọ đi đến chỗ thằng Huy. Ce petit – thằng nhỏ nầy bợ hộp thuốc. Lê đức Thọ cũng đánh lửa một cái beng. Thằng Huy khoát mồi lửa, chưa đốt thuốc có lẽ nó đang còn tìm lời văn ” Mao nhiều “
Ở một góc phòng thằng Hà huy Giáp đứng, Lê đức Thọ tới, nói cái gì, thằng Giáp nghiêm sắc mặt gật gật đầu.
Ba vị ấy được Lê đức Thọ coi là ba tay có lý luận và mời – biểu – lên tiếng.
Mà trời ơi, dưới triều đại Hồ chí Minh ai được Lê đức Thọ để ý có cảm tình là má thằng đó đẻ nó đêm rằm tháng bảy.
_ Tao nói cho mầy nghe nha, Bùi công Trừng nói tiếp, về chuyện lão Hồ chí Minh. Tao nghe, thằng Thọ âm mưu lật đổ ông già, và lấy Nguyễn chí Thanh thay. Ông lão chỉ còn làm người chuyên nghiên cứu lý luận Mác- Lê nin. Chuyện nước giao cho Nguyễn chí Thanh. Việc Ðảng, Statuquo – Lê Duẩn. Cái thằng tự nhiên lại muốn làm Khổng Tử này, khó lật đổ nó lắm. Vì nó có công trạng ở Nam Bộ, và mấy bà má ôm nó chum chủm trong lòng.
Mầy coi, coi nó tội nghiệp không. Ðồng chí Hồ chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta bận bộ đồ lụa gụ, chủ trì hội nghị mà day mặt ra sân. Có lỗ tai tự nhiên nó phải hứng những lời công kích mạt sát Liên Xô. Khi chướng tai quá quay vô, đưa tay để nói, thì thằng Thọ lễ phép Bắc hà, ” Bác hãy để cho anh em người ta nói đã mà .”
Tao đếm lão Hồ, đưa tay mấy lần, lần nào thằng Thọ cũng kịp ngăn. Cuối cùng ông cũng cho hội nghị nghe, ông nói ca dao bằng tiếng khóc :
Khi thương trái ấu cũng tròn
Khi ghét bồ hòn cũng méo
Và ông nói xụi lơ: thấy lợi người ta cho tên lửa vô; thấy bất lợi người ta rút ra. Có chi mà !
Bùi công Trừng nói với tôi như vậy
Còn Ung văn Khiêm:
_ Trước khi vào hội nghị, tao có tranh thủ nói riêng với ông cụ, là tao sẽ không đưa ra cái nháp bản tuyên bố chung của tao và Novotny, cho ông cụ yên tâm. Vì trong bản thảo ấy ông cụ có thêm mấy chỗ, còn mang tuồng chữ của monsieur Hồ chí Minh rành rành. Tao nghĩ bản thảo ấy đưa ra không phân bua gì cho tao, mà chỉ làm thớt cho Sáu Thọ băm ông cụ.
Và mày coi thằng thủ trưởng khoa giáo của mày ( ý nói Tố Hữu ). Khi tao đứng tại chỗ phát biểu ý kiến, thằng Huy đi ngang qua, nó phun nước miếng, và đoạn tao nói chủ trương hòa bình là trung thành với Lénine. Tao mỉm cười bụng nói: A, thằng nhỏ mày dám đái đầu ông Xá
Hội nghị 9 này có thông qua cái ” nghị quyết 9″ và mấy anh ấy nói là cũng có trên 10 ủy viên trung ương không bỏ thăm.
Anh Khiêm lộ bí mật
_ Tao có hỏi mí ông cụ có bỏ thăm không. Ông cụ làm thinh
” Nghị quyết 9 ” tạo một cao trào trấn áp, khủng bố đảng viên. Nó cho lập ra Ban xét tội và kết án trực thuộc Bộ Chính Trị của Trung ương Ðảng. Ban này có mấy ban viên, tôi không nói. Chỉ nói người đứng thớt là Lê đức Thọ, người làm heo là Trần quốc Hoàn ( tôi nói giọng thịt luộc Chợ Ðệm ).
Hai vị này toàn quyền qui kết tội: xét lại chống đảng, âm mưu lật đổ, phản cách mạng, tay sai đế quốc…..
( Trích ” Viết cho mẹ & Quốc Hội ” của Nguyễn văn Trấn, trang 327, 328, 329, nhà xuất bản Văn Nghệ, California )
Những ai vốn thường nghĩ là Hồ chí Minh là nhân vật có hoàn toàn quyền sinh sát trong tay trong chuyện điều hành nội bộ Ðảng hẳn sẽ rất kinh ngạc khi đọc đoạn văn trên. Nguyễn văn Trấn đã thuật lại lời nói của những người bạn ông trong hội nghị 9, diễn tả cái lối xử sự lấn lướt, hỗn láo của Lê đức Thọ đối với nhân vật thường được nghĩ là có quyền uy tuyệt đối là Hồ chí Minh. Cuộc đời thấy vậy mà không phải vậy. Người ta không thể tưởng tượng ra cái cảnh Lê đức Thọ ” ăn hiếp ” Hồ chí Minh thô bạo và thô bỉ đến như vậy. Cần phải ghi nhớ là thời điểm xảy ra câu chuyện trên là vào cuối năm 1963.
Mới đây nhà văn Sơn Tùng, vốn là một chuyên gia nghiên cứu về Hồ chí Minh, được mệnh danh là ” Nhà Hồ chí Minh học ” đến nói chuyện với khóa 40 của lớp ” Ðào tạo cán bộ quản lý ngành giáo dục ” . Ông Sơn Tùng còn tiết lộ thêm nhiều chuyện động trời như vào trận Mậu Thân 1968, Lê Duẩn và Lê đức Thọ đẩy Võ nguyên Giáp sang Hungary ” chữa bệnh ” và tống Hồ chí Minh sang Trung Cộng cho rảnh mắt. Lúc Hồ chí Minh về nước bằng máy bay, Duẩn và Thọ cho cán bộ phi trường đổi đèn hiệu sân bay để cố tình gây ra tai nạn cho chiếc phi cơ chở Hồ chí Minh, có nghĩa là mượn tai nạn để giết Hồ chí Minh. Có lẽ số mạng còn lớn nên Hồ chí Minh không chết trong cuộc bố trí do Duẩn và Thọ bày ra và tiếp tục sống đến năm 1969.
Bài nói chuyện của Sơn Tùng được ghi thành văn bản và được phổ biến rộng rãi trên Inter net làm nhiều người ngạc nhiên. Dĩ nhiên Sơn Tùng nói những âm mưu của Duẩn và Thọ sau khi Duẩn và Thọ qua đời.
Nhà văn Sơn Tùng kể lại chuyện Duẩn và Thọ mưu sát Hồ chí Minh như sau:
“ ..Trong bài viết của ông Vũ Kỳ mà ta đọc báo, ta không để ý vì ông ấy viết kín đáo để đăng báo Văn Nghệ, báo Tiền Phong, báo Nghệ An số tết 1998, hồi đó ông chủ trương đăng trên ba tờ báo đó. Nội dung bài báo là: Năm 1967, Bộ Chính Trị mời Bác Hồ đang chữa bệnh ở Trung quốc về để thông qua việc Tổng tiến công 1968. Khi họp lần thứ nhất Bác đã không đồng ý chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy. Bác chỉ đồng ý tập kích chiến lược rồi rút ra ngay. Ông Giáp cũng chủ trương như vậy nhưng ở thế thiểu số nên ông đi chữa bệnh ở Hungary. Nhưng sắp đến tết Mậu Thân rồi nên phải thông qua chủ trương đó để đi vào cái tết, nên phải mời Bác về. Ông Vũ Kỳ viết bài báo như sau:
Trên máy bay chỉ có bác, ông Vũ Kỳ và người lái máy bay chuyên cơ từ Trung quốc về. Lúc đó đã báo cho bộ đội phòng không từ giờ này..đến giờ này..trên bầu trời nước ta từ hướng này..phương vị này..tuyệt đối không nổ súng. Thời đó đang chiến tranh, vào giờ đó là xuất hiện máy bay của ta. Khi máy bay về tới vùng trời Hà nội, sân bay Nội Bài khi đó là sân bay quân sự nên máy bay xuống sân bay Gia Lâm. Người lái báo cáo với anh Vũ Kỳ ngồi bên cạnh ( Bác ngồi phía sau hút thuốc ):
_ Thưa anh, tín hiệu đường băng lệch 15 độ, bây giờ làm sao đây?
_ Quan sát lại đi! Ông Vũ Kỳ nói.
_ Em là người lái mà lái máy bay cho Bác thì em nhìn sai sao được ! Người lái nói
Máy bay lượn hai vòng không dám xuống vì theo ông nếu hạ cánh thì máy bay sẽ chạy đến Phố Nổi, thì tan xương chứ.
_ Bây giờ làm thế nào? Quay trở lại không được, xăng hết rồi, giờ quy định cũng đã hết rồi, phòng không nó bắn chết, mà xuống theo tín hiệu thì không an toàn..
_ Phải xuống theo trí nhớ thôi, cậu có xuống được không? Ông Kỳ nói
Cuối cùng xuống theo trí nhớ ( của người lái ), chứ không xuống theo đèn tín hiệu, vì trên máy bay báo đi báo lại, nhưng dưới sân bay vẫn không thay đổi, trên báo ” tín hiệu chệch ” dưới vẫn cứ để thế, không sửa.
Vòng một vòng và máy bay hạ cánh chạm đất an toàn, thở đánh phào một cái. Bác vẫn ngồi ung dung hút thuốc. Ở dưới sân bay vẫn yên tĩnh
_ An toàn rồi anh ơi !
Mừng quá, nói to lắm nhưng Bác làm như không nghe thấy.
Ra khỏi máy bay ( ông Vũ Kỳ tả ) thì thấy đồng chí Lê Duẩn, Lê đức Thọ ra đón, một lúc thì thấy ông Ðồng, chỉ có thế thôi, không còn ai đón Bác cả.
Phải nhận thấy ông Vũ Kỳ ( nguyên là người luôn ở bên cạnh Hồ chí Minh ) rất khéo léo khi trình bày vấn đề máy bay gặp vấn đề đáp vì đèn hiệu dưới sân bay chệch hướng. Mới đọc thì người ta tưởng đây là một sự trục trặc thường tình về chuyện kỹ thuật đáp của máy bay. Vì vậy bài báo kể chuyện này mới được ba tờ báo đăng. Nhưng nếu đọc và suy luận kỹ thì ta thấy ông Kỳ đã khéo léo tố cáo âm mưu giết Hồ chí Minh của Lê Duẩn và Lê đức Thọ bằng cách ra lệnh cho đèn hiệu dưới sân bay trệch hướng để phi công không đáp được theo kỹ thuật phi hành. Dấu hiệu rõ rệt nhất cho chuyện mưu sát là khi người phi công thấy đèn chệch hướng không đáp được ( có lẽ đáp vào ban đêm), ông ta tìm cách liên lạc với bên dưới bằng vô tuyến nhưng bên dưới không trả lời ! Vũ Kỳ sau khi kể chuyện này trên báo thì bị bộ chính trị kêu lên ” hỏi thăm sức khỏe ” ngay. Có lẽ vì quá uất ức vì chuyện mưu sát Hồ, mà nếu hôm ấy máy bay bị tai nạn thì Vũ Kỳ cũng đã tan xác theo với Hồ vì Vũ Kỳ có mặt trên chuyến máy bay ấy !
Số Hồ chí Minh chưa chết nên viên phi công đã đáp máy bay chở ông và Vũ Kỳ theo trí nhớ và đã bình an chứ không gây ra tai nạn. Trước đây cựu chiến binh Trần dũng Tiến cũng đã viết bài lên tiếng về vấn đề này ( có lẽ sau khi đọc và suy luận về bài viết của Vũ Kỳ ). Dĩ nhiên Trần dũng Tiến cũng chỉ mạnh dạn lên tiếng âm mưu hãm hại Hồ chí Minh bằng tai nạn phi cơ của Duẩn và Thọ sau khi Duẩn và Thọ qua đời. Mới đây Trần dũng Tiến cũng mới bị bắt vào tù, nối gót theo nhà tranh đấu Phạm quế Dương và Nguyễn đan Quế cũng vừa bị bắt vì bị tố cáo là chuyển e-mail này nọ. Cộng sản nghĩ là khi ruồng bố những người đấu tranh như thế thì chế độ chúng sẽ an toàn hơn, nhưng những chuyện chúng làm chỉ càng ngày càng làm cho giọt nước tràn ly và báo trước những xáo động lớn trong những ngày sắp tới.
Trở lại chuyện Lê Duẩn và Lê đức Thọ. Hai ông này đều hoạt động ở miền Nam và khi ra Bắc thì hai ông liên kết với nhau để khống chế quyền lực trong Ðảng. Cựu Ðại tá Bùi Tín, trong những cuốn sách xuất bản ở hải ngoại, đã kể nhiều chuyện cụ thể hai ông phối hợp với nhau để ” đì” Võ nguyên Giáp như thế nào. Trong đó có chuyện hai ông đẩy cho Giáp chức ” cai đẻ “, Giáp phải cắn răng mà nhận vì không dám chống đối để rồi làm trò cười cho nhân dân vì không ai có thể tưởng tượng nổi chuyện một ông đại tướng cầm quân giờ đây đi lo chuyện đẻ đái của phụ nữ ! Giáp không dám đương đầu với liên minh Thọ – Duẩn ngay từ lúc đầu vì yếu thế và điều này làm cho Duẩn, Thọ coi thường và hạ nhục Giáp thêm. Bùi Tín chỉ nói đến chuyện Duẩn, Thọ ” làm tình, làm tội ” Võ nguyên Giáp thôi chứ không hề đề cập đến chuyện Duẩn, Thọ ” ăn hiếp ” luôn cả Hồ chí Minh. Có lẽ Bùi Tín không biết và không tưởng tượng nổi một nhân vật trông có vẻ có quyền uy tuyệt đối như Hồ chí Minh lại bị phe Duẩn, Thọ khống chế. Người ta nói Duẩn, Thọ ghen tức về cái hào quang Ðiện biên Phủ mà Võ nguyên Giáp và Hồ chí Minh có được trước mặt nhân dân và thế giới nên cố làm một chuyện vĩ đại tương tự là xâm chiếm cho được miền Nam. Trở lại chuyện Tổng công kích tết Mậu Thân 1968 thì thấy uy lực của Duẩn Thọ đã quá rõ ràng. Mặc dù cả Võ nguyên Giáp và Hồ chí Minh phản đối chuyện tổng công kích vì thấy khó thành công nhưng phe Duẩn, Thọ vẫn cứ tiến hành chuyện đánh Mậu Thân. Giáp lúc ấy là Bộ trưởng quốc phòng thì bị đẩy qua Hungary ” chữa bệnh”, Hồ chí Minh thì bị tống qua Trung Cộng sau khi đọc một bài thơ xuân cổ động cho việc tấn công.
Ðó là mấy câu thơ: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên ! Toàn thắng ắt về ta ). Một trận đánh lớn như trận tết Mậu Thân mà Bộ trưởng quốc phòng Võ nguyên Giáp bị đẩy đi xa, chủ tịch nước kiêm chủ tịch Ðảng Hồ chí Minh cũng bị tống ra khỏi nước thì đủ thấy phe Duẩn, Thọ đã hoàn toàn nắm quyền sinh sát trong Ðảng.
Trong cuốn hồi ký ” Ðêm giữa ban ngày ” , nhà văn Vũ thư Hiên có kể lại chuyện mẹ của Vũ thư Hiên có ý trách ông Hồ, trong chức vụ chủ tịch nước, đã tỏ ra bội bạc và vô tình không can thiệp cứu giúp khi phe Lê Duẩn và Lê đức Thọ bắt giữ giam cầm ông Vũ đình Huỳnh ( là chồng bà cũng như là thân phụ ông Hiên) . Ông Huỳnh là bí thư cho ông Hồ trước đây. Lời trách cứ đó không đúng lắm vì ở giai đoạn bắt ông Vũ đình Huỳnh thì Lê Duẩn và Lê đức Thọ đã tước hết quyền hành của ông Hồ rồi thì làm sao ông Hồ có thể ra tay cứu giúp người bí thư cũ của ông là cụ Vũ đình Huỳnh được.
Nhà văn Sơn Tùng còn có dịp nói chuyện với Ðại tá cựu chiến Binh Cao Nham và được Ðại tá Cao Nham tiết lộ thêm về chi tiết Lê Duẩn đòi giành công đánh trận Mậu Thân như sau:
“ Ðầu năm 2001, tôi ( Sơn Tùng) có dịp nói chuyện với Ðại tá cựu chiến binh Cao Nham. Trong câu chuyện có một chi tiết tôi không thể quên, theo lời đồng chí Cao Nham về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân năm 1968, ông Lê Duẩn nói với Bác Hồ, ” Ðề nghị Bác để tôi đánh trận này, nếu không thắng tôi xin từ chức Tổng bí thư nhưng với điều kiện Bác phải cách chức Võ nguyên Giáp ” ( không nói lý do ?)
Và trận đánh kết quả không như ý ông Duẩn, vào đợt 2 ông Duẩn lại nói với Bác cũng với đề nghị trên, kết qủa cũng không đạt như ý ông, tiếp đến đợt 3 một lần nữa ông Duẩn lại nhắc lại đề nghị trên, nhưng kết quả không hơn gì các đợt trước.
Vậy là cả 3 dợt của Tổng tiến công và nổi dậy như ông Duẩn chủ trương không đạt như ý định, đương nhiên ông phải ” từ chức ” như ông tự xác định với Bác chứ ( ” quá tam” mà ) nhưng không thấy ông tỏ thái độ nào cả ( trong câu chuyện kể của đồng chí Cao Nham )
Tuy nhiên ( có thể theo tôi hiểu ) Bác Hồ cũng không muốn có sự xáo trộn nhân sự xảy ra khi sự nghiệp giải phóng miền Nam chưa hoàn thành, nên ( vẫn đồng chí Cao Nham kể ), Bác nói :
_ Chú Duẩn có uy tín với đồng bào miền Nam thì chú cứ làm Tổng bí thư, còn chú Giáp giỏi quân sự thì cứ để chú ấy làm Bộ trưởng Quốc Phòng.
Về chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy, Bác Hồ và ông Giáp không tán thành nhưng vì thiểu số nên phải phục tùng, phải chấp hành, nhưng vì lợi ích không để tổn thất lớn cho lực lượng ta nên Bác đặt vấn đề và hỏi ông Giáp :
_ Có cách nào làm giảm thiệt hại ?
Ông Giáp nói:
_ Chỉ còn cách đánh vào các căn cứ gần giới tuyến để kéo bớt lực lượng địch ra ngoài này.
Vì thế ta mới thấy có các trận đánh ác liệt dọc đường 9, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, A Sao, A lưới.. Ðịch phải kéo ra 4 sư đoàn để đối phó với ngoài này, và Tổng thống Giôn-sơn đã có một câu tuyên bố nổi tiếng, ” Phải tử thủ với Khe Sanh ” chính là vào lúc đó.
Thật ra, câu trả lời của Ðại tá Cao Nham cho rằng ông Hồ và Võ nguyên Giáp đứng về phía thiểu số nên đành phải theo lệnh của Lê Duẩn tiến hành cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968 là một giải thích không hợp lý. Nếu ông Hồ có toàn quyền uy lực chính trị trong tay thì Lê Duẩn làm sao dám cãi lời ông. Chuyện Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp không cản nổi quyết định đánh trận Mậu Thân do Lê Duẩn chủ trương cho thấy Hồ và Giáp đã tỏ ra ” lép vế ” trước quyền lực của Lê Duẩn rồi. Cho nên sau này chuyện Lê Duẩn và Lê đức Thọ làm những hành động thô bỉ nhằm hạ nhục Võ nguyên Giáp như Bùi Tín đã kể và chuyện Thọ và Duẩn đi đến quyết định tạo dựng tai nạn máy bay để dứt điểm Hồ chí Minh là điều tất yếu phải xảy ra và cũng dễ hiểu thôi. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao hai nhân vật có uy thế lừng lẫy trong và ngoài nước như Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp lại bị thất thế trước phe nhóm Lê Duẩn và Lê đức Thọ. Hồ và Giáp đã phạm sai lầm nghiêm trọng nào chăng? Ðiều này chưa thấy ai đưa ra câu trả lời hợp lý và rốt ráo. Có thể Võ nguyên Giáp biết rõ chuyện này vì ông là người trong cuộc nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, ông chẳng thể lên tiếng để biện minh cho sự thất thế của Hồ chí Minh và của chính ông trước phe Duẩn, Thọ. Khi lên tiếng thì coi như ông đã phá tan huyền thoại đoàn kết keo sơn của cấp lãnh đạo Ðảng và chắc chắn nhóm cầm quyền hiện nay sẽ không để ông yên ổn sống nốt những ngày cuối đời.
Chỉ sau khi Duẩn, Thọ qua đời mới có những bài viết phê phán sự độc đoán chuyên quyền của hai nhân vật này. Riêng Nguyễn văn Trấn thì phê phán Lê đức Thọ từ lúc y còn sống trong cuốn sách ” Viết cho mẹ & quốc hội ” nhưng cuốn sách của Nguyễn văn Trấn chỉ được lưu hành ở hải ngoại và đương nhiên là bị cấm xuất bản trong nước. Còn Trần dũng Tiến, Sơn Tùng chỉ mới phê phán Duẩn Thọ sau khi cặp bài trùng này qua đời.
Cách đây không lâu, một cán bộ cao cấp trong Mặt Trận Giải phóng Miền Nam là Lữ Phương, có viết một bài về Hồ chí Minh nhan đề, ” Huyền Thoại Hồ chí Minh ” cũng đã nói lên chuyện phe Lê Duẩn – Lê đức Thọ đã thật sự khống chế phe Hồ chí Minh – Võ nguyên Giáp như sau:
” .. Không biết có khi nào suy ngẫm lại những cái đã qua, ông cảm thấy những bất ổn trong những vở kịch do mình tạo ra hay không, nhưng từ bên ngoài, nhiều người đã thấy khá nhiều những bực bội, buồn phiền gây ra cho ông bởi chính cái đám âm binh cách mạng của ông. Có nhiều chuyện không vui vẻ lắm, nhưng chuyện ông bị cho ra rìa suốt trong quãng đời còn lại trước khi ông mất là đáng chú ý nhất. Sau cải cách ruộng đất năm 1956 ở miền Bắc, do nhập từ Trung Quốc, quá thất đức và sai lầm, ông đưa Võ nguyên Giáp, uy tín như cồn sau Ðiện Biên Phủ, ra thay mặt Ðảng xin lỗi nhân dân, sau đó định sẽ lên thế chỗ Trường Chinh làm Tổng bí thư. Lúc bấy giờ ở Liên Xô, Krushchev đang thắng thế với đường lối hòa bình, trong Ðảng Việt Nam cũng có xu hướng ấy. Nhưng tình hình Việt Nam lại không thuận lợi để phát triển. Do cường độ cuộc chiến tranh ở miền Nam đã lên cao, đường lối quyết liệt dùng bạo lực để giải quyết chiến tranh thắng thế đã đưa cánh Lê Duẩn – Lê đức Thọ lên nắm quyền.
Về Võ nguyên Giáp thì kết quả ai cũng nhìn thấy : bị quy là kẻ cầm đầu chủ nghĩa xét lại và bị trù dập suốt một thời gian dài, đến khi Lê Duẩn chết mới thôi. Còn về Hồ chí Minh thì dường như chẳng có gì, nhưng thật sự cũng đã chịu số phận chung với tướng Giáp. Bên ngoài thì vẫn đi đây đi đó, chỉ đạo việc này việc kia..nhưng bên trong đã dần dà bị cô lập, chỉ giữ vai trò của một ngọn cờ tượng trưng, không có ảnh hưởng gì lắm tới những quyết định lớn. Theo một bài viết của Vũ Kỳ ( đăng trên một số báo Văn Nghệ Xuân cách đây vài năm), công lao của Hồ chí Minh trong cuộc ” Tổng tấn công và nổi dậy 1968″ vỏn vẹn chỉ có bài thơ, ” Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng lợi tin vui khắp mọi nhà ..” Sau khi ghi âm bài thơ này thì ông được đưa đi ..nghỉ. Vũ Kỳ thuật rằng ông Hồ chỉ biết ngày giờ cuộc ” Tổng tấn công và nổi dậy ” nổ ra qua Ðài phát thanh nghe được ở nơi ông được gửi đi nghỉ là Bắc Kinh – cùng với giọng đọc của ông, ra rả suốt ngày về bài văn vần nói trên. Nhiều người đã nói đến nhiều khuynh hướng đối nghịch nhau trong Ðảng Cộng sản Việt Nam thời chiến tranh; nhưng qua câu chuyện trên, ta thấy có hai xu hướng chính trong suốt một thời gian dài : Lê Duẩn – Lê đức Thọ đối đầu với Hồ chí Minh – Võ nguyên Giáp.
Dù sao chế độ vẫn cần sự thiêng liêng của ông để tạo ra sự thiêng liêng cho chính mình nên cái chết của ông cũng đã được cánh Lê Duẩn / Lê đức Thọ khai thác triệt để để ” xài ” một cách thoải mái. Ngày chết của ông là 2-9 vì trùng với ngày Quốc Khánh nên người ta dời lại 3-9-1969. Trong di chúc cuối cùng, ông muốn được hỏa táng và đem tro rải xuống biển hoặc chôn vào một vùng đất nào đó, người ta lại bỏ không biết bao nhiêu tiền bạc ra ướp xác và xây lăng nghìn đời cho ông.”
Như vậy rõ ràng cánh Lê Duẩn – Lê đức Thọ đã hoàn toàn khống chế cánh Hồ chí Minh – Võ nguyên Giáp. Trong trận Tổng tấn công Mậu Thân, Hồ bị đưa đi nghỉ ở Bắc Kinh, Giáp bị tống qua Hungary ( gọi là ” chữa bệnh ” !) vì phe Duẩn –Thọ muốn giành công hoàn toàn nếu cuộc Tổng tấn công thành công. Ðáng lý ra, Hồ chí Minh trong chức vụ chủ tịch nước và Ðảng, Võ nguyên Giáp với cương vị Bộ trưởng quốc phòng, Hồ và Giáp phải ở Hà Nội để góp phần chỉ huy và điều động cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Sự thật phũ phàng cho thấy Hồ và Giáp bị phe Duẩn – Thọ tống cổ đi xa r khỏi nước để Duẩn và Thọ rảnh tay mà điều động mọi chuyện. Ðiều đó cho thấy không còn nghi ngờ nữa là phe Lê Duẩn – Lê đức Thọ đã khống chế hoàn toàn phe Hồ chí Minh và Võ nguyên Giáp. Vì uy tín của Hồ chí Minh quá lớn trước nhân dân và quốc tế nên Duẩn – Thọ vẫn núp bóng Hồ chí Minh để điều hành công việc nhưng bên trong thì Hồ chí Minh bị phe Duẩn – Thọ tước hết quyền hành. Riêng Võ nguyên Giáp thì phe Duẩn – Thọ không coi ra gì cả, và có lúc đã đẩy cho Giáp giữ chức vụ ” cai đẻ ” để làm nhục Giáp. Giáp ngoan ngoãn nhận chức vụ ” cai đẻ ” làm trò cười cho nhân dân vì không dám cãi và chống lại quyền sinh sát đang nằm trong tay Duẩn – Thọ.
Có người cho rằng Lê Duẩn có viết vài cuốn sách trong đó Duẩn hết lời ca tụng, kính mến Hồ như thánh sống thì làm sao có chuyện Lê Duẩn lấn át quyền hành Hồ chí Minh được? Muốn trả lời câu hỏi khó khăn này thì phải đọc mấy cuốn sách của cựu Ðại tá Bùi Tín viết ra ở hải ngoại. Bùi Tín có kể Duẩn có lần gặp đám nhà báo như Bùi Tín, Duẩn huênh hoang khoe khoang là tài năng của Duẩn hơn Hồ xa, Hồ thì luôn luôn khúm núm, trọng vọng Mao còn Duẩn thì khi qua Bắc Kinh, dám nói chuyện tay đôi với Mao. Nếu Lê Duẩn thực lòng kính mến Hồ chí Minh thì không đời nào lại có cách ăn nói ” phạm thượng ” và xách mé, dè bỉu Hồ như thế được. Chuyện Duẩn ca tụng Hồ trong sách của Duẩn chỉ là một vở kịch mà Duẩn đóng quá khéo trước mặt nhân dân Việt Nam và thế giới mà thôi.
Hoàng văn Hoan sau khi qua Bắc Kinh sống đời lưu vong, có cho xuất bản cuốn hồi ký ” Giọt nước trong biển cả ” trong đó Hoan tố cáo Lê Duẩn đã lấn át quyền Hồ chí Minh trong những năm cuối đời. Hoan giải thích là vì Hồ chí Minh sức khỏe già yếu nên mới bị Lê Duẩn lấn quyền. Ở đây Hoan đã ghi nhận một sự kiện đúng là Lê Duẩn đã lấn quyền Hồ chí Minh trong những năm cuối đời nhưng cách giải thích của Hoan cho rằng sở dĩ Lê Duẩn lấn quyền vì Hồ chí Minh già yếu không được hợp lý cho lắm. Kim nhật Thành của Bắc Hàn cũng chết già nhưng không vì tuổi già sức yếu mà Kim nhật Thành mất quyền lực cai trị. Fidel Castro của Cuba cũng thế, cũng đang tiến vào tuổi già nhưng quyền lực cai trị sinh sát vẫn nắm trong tay. Cho nên lý do Hoan cho rằng Hồ mất quyền lực vào tay Lê Duẩn vì tuổi già sức yếu là một giải thích không được lô gích và chính đáng cho lắm. Có thể Hoan biết lý do chính làm cho Hồ mất quyền lực mà không nói ra vì cấn cái, đụng chạm, và có thể bản thân Hoan cũng không hiểu nổi nguyên nhân chính yếu sâu kín nào làm cho Hồ chí Minh bị Lê Duẩn tước mất quyền lực trong những năm cuối đời.
Năm 1997 ông Nguyễn minh Cần ( nguyên Phó chủ tịch ủy ban hành chính thành phố Hà Nội ) đã tung ra bài viết ” Vài mẫu chuyện về cuộc đời Hồ chí Minh ” trong đó ông nêu lên một chuyện động trời là có một cô gái người Nùng tên Nông thị Xuân, ăn nằm với Hồ chí Minh có một đứa con trai rồi sau đó bị giết bằng búa bủa vào đầu, được ngụy trang dưới hình thức một tai nạn ô tô. Ông Nguyễn minh Cần đã kể lại câu chuyện tàn bạo, thê thảm này với những chi tiết cụ thể như sau:
“ Sau khi rời Hà Nội đi Moskva( Mạc tư khoa)theo học ở Trường đảng cao cấp của Trung ương Ðảng cộng sản Liên Xô hồi năm 1962, và nhất là sau khi tôi đã ra khỏi hàng ngũ đảng cộng sản hồi đầu tháng 6 năm 1964, trong lòng tôi luôn luôn bị ám ảnh bởi một câu chuyện mà càng ngày tôi càng thấy rõ có cái gì đây đầy oan khuất, đầy mờ ám, rất là nghiêm trọng, mà bây giờ ở ngoài nước, trong hàng chục năm, lắm lúc tôi cảm thấy bó tay không thể nào tìm hiểu được. Chuyện thế này: hồi cuối những năm 50 đầu những năm 60, tôi là Phó chủ tịch ủy ban hành chánh thành phố Hà Nội, nên thường ngày tôi xuống các cơ sở. Nhưng sáng hôm đó, tôi nhớ là vào đầu xuân, tôi phải đến thường trực tại ủy ban, thì anh Nguyễn quốc Hùng, ủy viên trong ủy ban, phụ trách văn phòng, bước vào phòng tôi, hồi hộp nói, ” Báo cáo anh có một việc xảy ra, có một người đàn bà bị ô tô cán ở đoạn đường Nhật Tân phía đi lên Chèm..” Tôi đưa mắt nhìn Quốc Hùng, có vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Ngạc nhiên vì trong óc thoáng một ý nghĩ, xe ô tô cán người ở Hà nội, chẳng phải là chuyện gì hiếm, sao anh ấy lại báo cáo với mình. Tôi im lặng chờ đợi. Quốc Hùng nói tiếp, ” Nhưng mà, anh à, theo sự điều tra thì không phải là xe cán người, mà đây là làm ra vẻ xe cán người…” Dừng lại một lúc, anh nói thêm, ” Mà … theo báo cáo thì chiếc xe ấy chạy từ Chủ tịch phủ ra..” Mấy tiếng cuối cùng ” từ Chủ tịch phủ ra ” đã gây cho tôi một cảm giác thật mạnh. Nhưng lúc đó, thật ra, tôi không hề có mảy may ý nghĩ là việc này có liên quan gì đến vị Chủ tịch nước mà hồi đó, tôi chân thành kính yêu và tin tưởng. Một ý nghĩ thoáng qua trong óc: hay là bọn phục vụ ở Chủ tịch phủ đã làm bậy bạ cái gì đây với chị kia, rồi giết đi và bày trò cán xe ? Suy nghĩ một lúc, tôi nói, ” Theo quyết định của cấp trên, mọi vấn đề thuộc về công an, tòa án thì do bí thư Thành ủy giải quyết, nhất là những chuyện có dính dấp đến trên, việc này không thuộc thẩm quyền của Ủ ûy ban hay Thành ủy, vậy hôm nay, anh đến gặp anh Tuyên báo cáo ngay cho anh ấy biết để giải quyết thì hơn.”
Hôm sau, gặp lại, tôi hỏi thì Quốc Hùng cho biết: đã báo cáo rồi và anh Tuyên bảo anh sẽ trực tiếp làm việc với anh Thân ( tức Lê quốc Thân, hồi đó là Giám đốc Sở công an Hà nội, về sau được thăng chức Thứ trưởng Bộ công an ). Khoảng một tuần sau, nhân gặp Trần danh Tuyên, bí thư Thành ủy kiêm Phó chủ tịch ủy ban hành chính thành phố, tôi tranh thủ hỏi về vấn đề đó, thì anh ta lạnh lùng gạt đi, ” Thôi, việc đó xong rồi ” . Biết là không thuận lợi cho một cuộc trao đổi cởi mở, nên tôi im.. Khi đã ở nước ngoài, trong nhiều năm tôi cứ băn khoăn mãi về chuyện đó.
Hồi tháng 7 năm 1993, khi gặp nhà văn Vũ thư Hiên, một người ” cùng cảnh ngộ “, tức là cùng bị dính vào ” vụ án xét lại – chống đảng “, đã sang được Moskva, tôi mới đem chuyện đó kể ra. Hiên bật người lên, vui mừng ra mặt, dường như anh được thêm một người nữa biết cái chuyện ” thâm cung bí sử ” này và chuyện tôi kể cho anh lại một lần nữa xác nhận điều mà cụ thân sinh của anh, ông Vũ đình Huỳnh, đã dặn dò anh. Hiên nói liền, ” Nhưng không phải ô tô từ Chủ tịch phủ phóng ra đâu, anh ạ. Mà từ phố Hàng Bông Nhuộm đi lên Nhật Tân..” Tôi đáp lời, ” Chính là Quốc Hùng nói với tôi thế ! ” Rồi Hiên thủng thẳng tâm sự với tôi, ” Có một hôm, ông cụ tôi bảo tôi lên xe, chúng tôi đi lên Hồ tây, rồi theo đường Quảng Bá đi lên đường Nhật Tân, chỗ làng đào, anh biết chứ ? ” Tôi trả lời theo kiểu dân Bắc, ” Biết quá đi, chứ lị ! Từ năm 1951, tôi phụ trách ngoại thành cơ mà.” Yên trí là tôi biết rõ địa thế vùng này, anh kể tiếp: Dừng xe lại, hai bố con ra xe, ông cụ dẫn anh đến một đoạn đường, hình như một bên có rặng ổi, rồi bảo, ” Con ơi, con nhớ những lời bố dặn đây ! Tới đây, đánh dấu một vụ án mạng, một vụ oan khuất khủng khiếp mà Trần quốc Hoàn ( ủy viên bộ chính trị, bộ trưởng công an ) là chính danh thủ phạm. Con hãy ghi nhớ, khi có dịp thì nói lên sự thật…”
Câu chuyện đại để thế này: Có một chị nữ thanh niên người Nùng ở Cao Bằng, tên là Nông thị Xuân, được đưa đến ” phục vụ “Bác Hồ, cô Xuân đưa em gái là Nông thị Vàng và một cô em họ nữa về Hà nội. Sau đó, cô Xuân đẻ cho Bác một đứa con trai, được đặt tên là Nguyễn tất Trung, và còn có tin đồn, có thêm một đứa con gái nữa tên Nguyễn thị Trinh..Thế rồi Trần quốc Hoàn hiếp cô Xuân tại nhà phố Hàng Bông Nhuộm, sau đó giết chết, rồi bày trò xe ô tô cán người ở đường Nhật Tân để lấp liếm tội ác. Sau khi cô chị bị giết, cô em chạy về Cao Bằng, rồi cũng bị giết nốt để ” bịt đầu mối ” , và người em họ cô Xuân cũng không thoát khỏi bàn tay đẫm máu. Người yêu của cô Vàng đã viết thư tố cáo hung thủ. “
Qua câu chuyện cô Nông thị Xuân, người ta thấy những vấn đề khúc mắc cần phải làm sáng tỏ như sau:
Chuyện Hồ chí Minh cho đem cô Nông thị Xuân về ” phục vụ” chứng tỏ ông ta cũng có một đời sống tình cảm và sinh lý của một người đàn ông bình thường. Ông không được lấy cô Nông thị Xuân vì bị phe Duẩn, Thọ chống đối, họ muốn ông làm một biểu tượng cao cả, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Ở miền Bắc, người ta có lưu truyền một ý kiến cho rằng, ” Sở dĩ Bác Hồ không lấy vợ vì Bác đóng vai Bác của toàn dân, nay nếu Bác lấy một người dân làm vợ, hóa ra Bác mà lấy cháu làm vợ hay sao ! ” Ðây là một ý kiến nhằm thần thánh hóa con người Hồ chí Minh, coi ông như một vị thánh, một siêu nhân, không có một đời sống tình cảm nhục dục thông thường như mọi người.
Còn chuyện cô Xuân bị dùng búa đánh vỡ sọ rồi sau đó phi tang bằng một tai nạn ô tô thì vấn đề đặt ra ở đây là: Ai đã ra lệnh cho Bộ trưởng công an Trần quốc Hoàn giết cô Xuân? Có phải vì muốn đóng vai thánh mà Hồ chí Minh ra lệnh cho Trần quốc Hoàn làm chuyện giết người tàn bạo khủng khiếp này không? Và Trần quốc Hoàn, sau khi nhận lệnh từ Hồ chí Minh, đã cưỡng bức cô Xuân trước khi giết vì tội gì mà không hưởng một đóa hoa tuyệt sắc trước khi tiêu diệt thì ” phí của trời ” đi. Và Trần quốc Hoàn coi như chỉ làm theo lệnh của Chủ tịch Hồ chí Minh nên không sợ những vấn đề liên lụy, rắc rối khi thi hành tội ác giết cô Xuân. Nếu lý luận này đúng thì Hồ chí Minh đã đi đến tận cùng của sự tàn nhẫn độc ác. Aên nằm với một người đàn bà rồi cho đàn em thủ tiêu để bảo vệ ” thanh danh” của mình.
Có thể lệnh giết cô Xuân đến từ phe Duẩn, Thọ và ông Hồ đang đứng thế yếu, đành phải chấp nhận chuyện đàn em thủ tiêu vợ mình mà không dám lên tiếng một lời để phản đối. Hy vọng với thời gian sẽ còn nhiều nhân chứng lên tiếng để làm sáng tỏ vụ án nhiều oan khuất này. Nếu theo lý luận này, thì Trần quốc Hoàn cũng chỉ thi hành lệnh của cấp trên và không sợ những sự rắc rối sau ngày án mạng xảy ra. Nếu lý luận này đúng thì một lần nữa chứng tỏ quyền hành sinh sát của phe Duẩn, Thọ, đã không coi Hồ chí Minh ra gì và sẵn sàng ra tay làm những điều tổn hại đau đớn đến tình cảm của Hồ.
Chắc chắn với chức vụ bộ trưởng Công an, không bao giờ Trần quốc Hoàn dám giết cô Nông thị Xuân nếu không có lệnh của cấp trên. Vấn đề ở đây là Hồ chí Minh ra lệnh hay phe nhóm Duẩn Thọ cho phép thi hành chuyện giết người kinh tởm này ? Ðó là điều chúng ta phải tìm hiểu và đưa ra lời kết luận chính xác, công bình và vô tư.
Tóm lại, qua những tài liệu rõ ràng, cụ thể do Nguyễn văn Trấn, Nguyễn minh Cần và Vũ thư Hiên đưa ra thì quả thật Hồ chí Minh đã bị thất thế trước phe Duẩn Thọ. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một người sáng lập Ðảng như Hồ chí Minh lại bị thứ đàn em như Duẩn Thọ khống chế một cách thô bạo như vậy. Thời điểm Hồ chí Minh bị thất sủng của Hồ chí Minh xảy ra từ đầu những năm 1960. Phải chăng vì hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất mà Hồ chí Minh bị mất uy tín và bị đàn em lấn lướt, ăn hiếp như những chuyện đã kể ở trên? Ở đây cũng cần nhắc lại là sau vụ cải cách ruộng đất kinh hoàng đẫm máu, Tổng bí thư Trường Chinh bị mất chức Tổng bí thư, nhường lại chức này cho Lê Duẩn từ miền Nam ra nắm lấy. Phải chăng Hồ chí Minh cũng bị một số phận tương tự như Trường Chinh sau vụ cải cách ruộng đất sai lầm nghiêm trọng ?
Những học giả Tây phương sau này biên soạn về cuộc đời Hồ chí Minh đều thú nhận cuộc đời Hồ chí Minh có những bí mật, những uẩn khúc không giải thích nổi vì bản thân ông muốn che giấu cũng như bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền muốn bưng bít những chi tiết lịch sử không có lợi cho họ . Hy vọng sau Nguyễn văn Trấn, Vũ Kỳ, Sơn Tùng, Nguyễn minh Cần, Vũ thư Hiên sẽ còn thêm nhiều nhân chứng khác lên tiếng để vén cái màn ” thâm cung bí sử ” của con người Hồ chí Minh. Nếu được như thế, người ta sẽ hiểu rõ vị thế, uy quyền của Hồ chí Minh rõ ràng hơn trong những năm cầm quyền để từ đó có thể có những nhận định trung thực hơn nữa về lịch sử Việt Nam cận đại.

Lawndale, một ngày nóng bức đầu tháng 4 năm 2003
TRẦN VIẾT ÐẠI HƯNG