Chiến tranh Việt Nam chấm dứt đã 34 năm. Có nhiều nhà sử học, nhà
nghiên cứu chính trị, nhà báo đã đặt nhiều tên cho cuộc chiến Việt Nam.
Có người cho đó là cuộc chiến ý thức hệ; kẻ khác gọi là cuộc chiến ủy
nhiệm; lại có dư luận đặt tên cuộc chiến Việt Nam là nội chiến, nồi da
xáo thịt. Thật ra tất cả những tên gọi đều đúng. Cuộc chiến Việt Nam là
một cuộc chiến ý thức hệ, ủy nhiệm, nội chiến. Gọi tên thế nào thì gọi
chứ thực chất cuộc chiến là người Việt hai miền đánh nhau, giết nhau
bằng những vũ khí hiện đại nhất. Sự căm thù nhau là cũng do ý thức hệ
gây ra, bên nào cũng cho mình đang nắm lẽ phải, chính nghĩa. Bài viết
này trình bày 2 bài thơ của hai người lính thi sĩ của hai miền Nam, Bắc
nói lên cảm nghĩ của họ khi phải ra trận giết người anh em cùng chung
máu đỏ da vàng. Đó là thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn của miền Nam và thi sĩ Lưu
quang Vũ của miền Bắc. Hơn xa tất cả những nhà chính trị lãnh đạo của
hai miền, hai người lính đã thấy được sự dã man và vô lý cùng cực của
cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt. Máu người Việt đổ
ra một cách oan uổng, đau dớn cho một trận banh giữa các cường quốc tư
bản và Cộng sản trong đó người Việt Nam không nắm phần chủ động mà chỉ
làm thân phận tay sai, chiến đấu hung hãn, tàn bạo cho phe phái của
mình. Chính nghĩa dân tộc được cả hai bên đề cao với hy vong mang lại lẽ
phải cho phe mình nhưng kết quả là cả triệu người Việt cả hai phe chết
oan uổng cho bọn đầu nậu ngoại bang. Nước Việt Nam tan hoang, nhà Việt
Nam tan đổ, người Việt nhìn nhau với sự hận thù tưởng như không bao giờ
có thể nguôi ngoai.
Sau thế chiến thứ 2, Mỹ và thế giới các nước Cộng sản sống trong
không khí chiến tranh lạnh. Mỹ không ký vào Hiệp định Geneve năm 1954 là
muốn có tư thế danh chính ngôn thuận để nhảy vào miền Nam Việt Nam làm
tiền đồn ngăn làn sóng đỏ. Chuyện đầu tiên Mỹ làm là xúi dục Thủ tướng
Ngô đình Diệm “phản chủ” là vua Bảo Đại, qua cái trò hề “ trưng cầu dân
ý” do Mỹ đạo diễn từ đầu đến cuối. Ai cũng biết Ngô đình Diệm phải sang
Pháp quỳ dưới chân vua Bảo Đại để nhận chức thủ tướng do vua Bảo Đại
ban cho. Mỹ viện trợ và tô bồi cho chính quyền Ngô đình Diệm thành một
tiền đồn chống cộng theo ý Mỹ muốn. Người ta chưa quên câu nói của Tổng
thống Ngô đình Diệm tỏ bày ý nguyện trung thành với Mỹ trên mặt trận
chống làn sóng đỏ xâm lăng như sau: “Biên giới của thế giới tự do kéo
dài từ Alaska đến vĩ tuyến 17”.
Ngô đình Diệm được Mỹ dựng lên và chống Cộng theo yêu cầu của Mỹ để
giữ vững miền Nam trước sự xâm lăng của miền Bắc. Nhưng rồi Ngô đình
Diệm phạm nhiều khuyết điểm làm cho chuyện chống Cộng thiếu phần kết quả
và những giây phút cuối tính chuyện bắt tay với miền Bắc để hóa giải áp
lực của Mỹ nên cuối cùng bị các tướng lãnh đứng lên lật đổ với sự
nhúng tay của Mỹ vào năm 1963. Sau Ngô đình Diệm, Mỹ đưa Nguyễn văn
Thiệu và Nguyễn cao Kỳ lên lãnh đạo miền Nam để tiếp tục công cuộc chống
Cộng theo chủ trương của Mỹ cho đến ngày tan hàng 30 tháng 4 năm 1975.
Phải thấy rõ nguyên ủy sâu xa của lý do Mỹ nhảy vào Việt Nam chống
cộng là tạo dựng cho miền Nam một con đê ngăn chặn làn sóng đỏ. Mỹ đổ
viện trợ và xương máu của cả lính Mỹ vì quyền lợi chiến lược của nước
Mỹ chứ không vì lo bảo vệ tư do cho nhân dân Miền Nam. Trong thời kỳ này
Mỹ theo đuổi chủ thuyết Domino, tìm mọi cách để dùng miền Nam Việt Nam
ngăn làn sóng đỏ Cộng sản, vì nếu miền Nam sụp đổ thì những nước lân
cận như Lào, Kampuchia, Thái Lan sẽ đổ nhào theo như nhưng quân cờ
Domino và như thế là làm tổn hại đến chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nhưng
rồi sau Hiệp Định Paris 1973, Mỹ không cần miền Nam nữa vì đã bắt tay
được với Trung Cọng nên quyết định bỏ rơi một cách tàn nhẫn thẳng tay.
Trong những ngày miền Nam hấp hối trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tổng
thống Ford xin viện trợ quân sự khẩn cấp 300 triệu để cứu miền Nam khỏi
sụp đổ. Quốc hội Mỹ thẳng tay bác bỏ vì lúc ấy Mỹ không cần đến miền Nam
Việt Nam nữa nên Mỹ quyết định phủi tay bỏ rơi miền Nam sau những năm
đổ bao nhiêu nhân lực, vật lực và cả máu lính Mỹ chiến đấu chống Cộng
sản miền Bắc.
Người dân miền Nam thất vọng vì chuyện bị Mỹ bỏ rơi đã đành, thế mà ở
miền Băc có một thi sĩ tỏ bày sự chê trách chuyện Mỹ phủi tay bỏ chạy
để cho Cộng sản miền Bắc nhuộm đỏ cả miền Nam. Người thi sĩ đó là Nguyễn
chí Thiện, dù ở miền Bắc bị bưng bít mọi thông tin, ông vẫn nhìn ra
chuyện cuốn cờ bỏ chạy ô nhục của người Mỹ.
KHI MỸ CHẠY
Khi Mỹ chạy bỏ miền Nam cho Cộng sản
Sức mạnh toàn cầu nhục nhã kêu than
Giữa tù lao, bệnh hoạn cơ hàn
Thơ vẫn bắn và thừa dư sức đạn !
Vì thơ biết một ngày mai xa xôi nhưng sáng lạn
Không giành cho thế lực yêu gian
Tuyệt vọng dẫu lan tràn
Hy vọng dẫu tiêu tan
Dân nước dẫu đêm dài ai oán
Thơ vẫn đó, gông cùm trên ván
Âm thầm, thâm tím, kiên gan
Biến trái tim thành “chiếu yêu kính”giúp nhân gian
Nhận rõ nguyên hình Cộng sản
Tất cả suy tàn, sức thơ vô hạn
Thắng không gian và thắng cả thời gian
Sắt thép quân thù năm tháng rỉ han !
(1975)
Mỹ không chống Cộng cũng không thân Cộng, Mỹ lúc nào cũng theo chủ
nghĩa “duy lợi”, có nghĩa theo cái lợi mà làm, bất chấp tình nghĩa, liêm
sỉ. Trong chiến tranh với Việt Cộng, Mỹ luôn trình bày Việt Cộng là
hiện thân của những gì độc ác , xấu xa nhất. Ngày nay Mỹ giung giăng
giung giẻ làm ăn buôn bán vui vẻ với Việt Cộng vì chuyện này có lợi cho
Mỹ. Cộng sản vẫn tiếp tục đàn áp bách hại tôn giáo và Mỹ vẫn không đưa
Cộng sản vào danh sách CPC dành cho những quốc gia đàn áp tôn giáo là
chuyện dễ hiểu thôi. Mỹ đang có những mối quan hệ kinh tế quân sự tốt
đẹp với Cộng sản Việt Nam thì những chuyện vi phạm nhân quyền của Cộng
sản Việt Nam là chuyện nhỏ nhặt Mỹ không muốn để ý tới và có biện pháp
chế tài trừng trị. Khi thương thì quả ấu cũng tròn mà !. Những người
Việt quốc gia nên nhớ đến điều này để đừng bao giờ đặt quá nhiều hy vọng
vào người bạn Mỹ trên con đường quang phục quê hương. Đừng bao giờ mơ
tưởng đến chuyện Mỹ bật “đèn xanh, đèn đỏ” khai thông đường về lại quê
hương. Trong 21 năm tồn tại của miền Nam (1954- 1975) Mỹ hỗ trợ cho chế
độ Việt Nam Cộng Hòa chống cộng hung hãn, điên cuồng cũng chỉ để giải
quyết nhu cầu chiến lược toàn cầu của Mỹ mà thôi. Người lính miền Nam
được Mỹ huấn luyện căm thù sâu sắc để chiến đấu tiêu diệt bọn giặc Cộng
miền Bắc xâm lăng miền Nam. Điều này cũng đúng với phe miền Bắc là
người lính miền Bắc được Đảng tuyên truyền nhồi sọ phải coi Mỹ là kẻ thù
xâm lược và người lính miền Nam là tay sai của Mỹ và là kẻ thù không
đội trời chung phải tiêu diệt bằng mọi giá.
Hồ chí Minh khi tìm đến Quốc tế thứ bavà thế giới các nước vô sản để
xin vũ khí và viện trợ phục vụ cho chuyện đánh Mỹ, đánh Pháp hầu mang
lại độc lập cho dân tộc Việt Nam. Các nước đàn anh Cộng sản như Nga, Tàu
viện trợ vũ khí cho Hồ chí Minh đánh Pháp và sau này là đánh Mỹ không
với mục đích là mong muốn cho Hồ chí Minh giành lại độc lập cho dân tộc
Việt Nam mà với mục đích là trang bị cho miền Bắc phương tiện để chống
lại đế quốc theo phương hướng vô sản phải chống lại tư sản đế quốc để
làm suy yếu phe tư bản đế quốc trên toàn cầu. Hồ chí Minh chỉ là một tên
lính đánh thuê của chủ nghĩa Cộng sản không hơn không kém. Trong dịp
xuân 1963, Hồ chí Minh có gửi hai cành đào tặng Tổng thống Ngô đình Diệm
kèm theo lá thư mong mỏi hai miền sẽ phát triển theo chiều hướng chính
trị riêng của từng miền. Đó là ước mong chung sống hòa bình với miền Nam
của Hồ chí Minh. Khi chuyện này lộ ra, Quốc tế Cộng sản cho đàn em tước
hết quyền lực của Hồ chí Minh ngay vì chuyện làm này đi ngược với đường
lối làm suy yếu và tiêu diệt đế quốc tư bản đứng đầu là Mỹ của Quốc tế
Cộng sản. Ông Cao xuân Vỹ, vốn là thủ lãnh Thanh niên Cộng Hòa dưới chế
độ Ngô đình Diệm mới đây (năm 2009) đã lên đài truyền hình SET (57.4) để
xác nhận chuyện Hồ chí Minh gửi cành đào cho Ngô đình Diệm xuân năm
1963 trong chương trình tìm hiểu lịch sử của cô Kim Nhung. Hai miền Nam
Bắc phải đánh nhau theo sự điều động của hai thế lực Tư bản và Cộng sản
đứng đằng sau hổ trợ. Hai miền Nam Bắc không có quyền nói chuyện sống
chung hòa bình,thân ái với nhau. Ngô đình Diệm bị giết và Hồ chí Minh
bị thất sủng khi tính chuyện hòa hợp hòa giải với nhau đã cho thấy cái
gọng kềm của hai thế lực quốc tế đứng đằng sau hai ông cương quyết và
tàn nhẫn như thế nào. Những tên cai thầu chính trị quốc tế gian ác này
muốn người dân, người lính hai miền phải căm thù nhau, phải giết nhau
bằng những phương tiện dã man nhất để thỏa mãn cho nhu cầu chính trị
quốc tế của chúng. Cho nên không có chuyện chính nghĩa thuộc về phe nào
trong chuyện người Việt giết nhau cả mà anh em cùng dòng máu đỏ da vàng
hăng say giết nhau theo sự thúc dục bắt buộc của ngoại bang vì ván cờ
chính trị chiến lược của chúng. Thật đau lòng và chua xót cho dân tộc
Việt Nam, một dân tộc chưa bao giờ có đủ điều kiện để làm chủ lấy đất
nước mình mà luôn chịu sự lệ thuộc và chi phối của nhưng thế lực quốc tế
gian ác và xấu xa nhất trên đời.
Không phải tới thời kỳ 1954- 1975 nước Việt Nam mới có nội chiến.
Trước đó hàng trăm năm đã có tranh chấp Trịnh – Nguyễn và sau đó là cuộc
nội chiến của Nguyễn Ánh và phe Tây Sơn ( 1771- 1802). Ngay trong phe
Tây Sơn thì hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ cũng kình chống nhau
rồi. Nếu trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, máu của người
Việt Nam đổ ra khi chống ngoại xâm là một sự hy sinh đẹp đẽ và cao quý
bao nhiêu thì trong những thời kỳ nội chiến, máu người Việt đổ ra là
một sự hoang phí và đáng nguyền rủa bấy nhiêu. Máu người Việt đổ ra
trong cuộc nội chiến dĩ nhiên không phải để giữ gìn, bảo vệ giang sơn
gấm vóc mà để tranh giành ngôi báu cho dòng họ cá nhân. Những dòng họ
cá nhân này không bao giờ biết đặt quyền lợi của dân tộc tổ quốc lên
trên dòng họ của mình. Riêng về giai đoạn nội chiến 1954- 1975 thì cuộc
nội chiến này đã nhuốm màu ý thức hệ chứ không còn chuyện tranh giành
ngôi báu cho gia đình riêng tư như những cuộc nội chiến trong quá khứ.
Dù sao, máu người Việt đổ ra trong cuộc nội chiến đấu thế kỷ 20 này cũng
phung phí và đau lòng vì chuyện “gà nhà bôi mặt đá nhau, giết nhau” một
cách tận tình không thương tiếc. Lãnh tụ của cả hai miền đều không đủ
sự tỉnh thức để nhìn thấy thân phận tay sai cho các thế lực quốc tế của
mình, mà chỉ hăng say, ngu xuẩn, mù quáng theo đuổi con đường thúc đẩy
người Việt hai miền chém giết lẫn nhau. Dĩ nhiên chuyện anh em chém giết
được hai chế độ đối nghịch của hai miền tô vẽ đẹp đẽ như một chuyện
làm cao cả, cúu nước cứu dân, giải phóng , độc lập, tự do.
Và khi bàn cờ chiến tranh đã sắp xếp xong thì người lính miền Bắc
Lưu quang Vũ theo lệnh Đảng vào chiến trường miền Nam để bắn giết người
lính miền Nam mà chế độ miền Bắc nhục mạ gọi là “lính ngụy”. Và người
lính miền Nam Nguyễn bắc Sơn cũng được lệnh ra chiến trường để nả đạn
vào người lính miền Bắc bị miền Nam gọi là “quân Cộng sản xâm lăng Bắc
việt.” Giống như nhà văn Phan nhật Nam, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn có người
cha phục vụ cho phía bên kia. Đây là chuyện oan trái xảy ra trong một
số gia đình người Việt bị cuộc chiến phân chia thành hai phe đối nghịch
nhau. Nhà văn Võ Phiến và Nhật Tiến ở miền Nam đều có em là người cầm
bút trong chế độ Cộng sản. Thơ Nguyễn bắc Sơn thường có giọng điệu ngang
tàng, bất cần đời, khinh bạc. Trong bài thơ “Chiến tranh Việt Nam và
tôi” được trích dẫn dưới đây, ông đã nói lên nếp sống ăn chơi không nề
nếp của ông dù ông đang ở trong quân đội. Đặc biệt là ông nói lên cái
tâm trạng khi ra trận phải bắn đối phương vì đứng trong tư thế bất khả
kháng “ không bắn người thì người bắn mình.” Ông biết người lính đối
phương từ miền Bắc cũng là người Việt máu đỏ da vàng như ông. Ông bắn mà
lòng không thù hận, oán thù. Có lẽ trong tâm tư ông dâng lên niềm chua
xót khi ông là người Việt mà phải bắn một người Việt vì cuộc chiến oan
nghiệt đã phân chia hai miền thành kẻ thù không đội trời chung của nhau.
Ông đánh giá chiến tranh này cũng chỉ là một trò chơi chứ không phải là
một cuộc chiến bảo vệ chính nghĩa hay giải phóng dân tộc như guồng máy
chiến tranh chính trị của hai miền thường rêu rao, tuyên truyền. Cái
nhìn của ông về cuộc chiến Việt Nam được đánh giá là tỉnh táo và trung
thực. Những nhận xét của ông về chuyện chém giết nói chung là nhân bản
và hiểu biết . Một người lính như ông cũng đã nhìn thấy bản chất phi lý
và chết chóc lãng nhách của cuộc chiến Việt Nam mà những kẻ lãnh đạo hai
miền chưa chắc đã có được. Ông thực sự là một người có trí tuệ và lòng
thương bao la đến đồng bào ruột thịt của mình.
CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ TÔI
Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt
Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic
Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin xí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc
Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xăm mình
Ăn muối đá mà hăng say chiến đấu
Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hỏa châu
Những cột khói giả rồng thiêng uốn khúc
Mang bom đạn chơi trò pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang.
NGUYỄN BẮC SƠN (1972)
Từ đầu những năm của thập niên 1960, Miền Bắc phát động cuộc chiến
tranh xâm lăng miền Nam, được mệnh danh là cuộc chiến “chống đế quốc Mỹ
và ngụy quyền tay sai.” Đảng và nhà nước đã tô vẽ cuộc chiến tranh xâm
lăng bằng những lời lẽ tuyên truyền hào hùng, đẹp dẽ với mục đích làm
phấn chấn tinh thần bộ đội trẻ lên đường.
Cộng sản Việt Nam viện dẫn đến lịch sử chống ngoại xâm dài 4000 năm
(40 thế kỷ) để khêu gợi tinh thần yêu nước vốn lúc nào cũng tiềm tàng
trong con người Việt Nam. Những câu thơ sau có tác dụng khuyến khích
mạnh mẽ tinh thần thanh niên thiếu nữ lên đường ra trận
Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận
Có Đảng ta đây có Bác Hồ
(Trích trong tập thơ “Theo chân Bác” xuất bản năm 1970 của Tố Hữu)
Tố Hữu, ngọn cờ đầu của nền thi ca xã hội chủ nghĩa, còn có những vần
thơ lạc quan, phấn khởi cho chuyện gửi quân vào Nam như sau:
Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
Tố Hữu viết mấy câu thơ sau vào tháng 1 năm 1966, vẽ ra hình ảnh đẹp
của những cô gái chống chiến tranh phá hoại của Mỹ
Ôi những nàng xuân rất dịu dàng
Hát câu quan họ chuyến đò ngang
Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy
Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng
(Xuân Sớm)
Bài hát nổi tiếng “Trường sơn đông, Trường sơn tây” do nhạc sĩ Hoàng
Hiệp phổ từ bài thơ của Phạm tiến Duật sáng tác năm 1969 cũng tô hồng,
vẽ vời lên cái tâm trạng phơi phới, hăng say của những thanh niên, thiếu
nữ miền Bắc ra trận:
…Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường sơn đông nhớ Trường sơn tây
Từ nơi em đưa sang bên nơi anh
Những binh đoàn nối nhau ra trận tuyến
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường sơn nối tây Trường sơn.
Nhưng có một người bộ đội trẻ không hăng say nhập cuộc chuyện vào Nam
chiến đấu mà lòng anh luôn nặng trĩu ưu tư về chiến tranh. Người bộ đội
trẻ đó là nhà thơ Lưu quang Vũ, sinh năm1948. Anh đã bộc lộ sự bi quan
buồn nản về cuộc chiến mà anh là một người lính trực tiếp tham gia
chiến đấu. Nên nhớ những lời thơ này anh viết dể bộc bạch tâm sự và
không được nhà nước Cộng sản xuất bản thời bấy giờ vì nó không có lợi
cho cuộc chiến đấu. Lưu quang Vũ mỉa mai, dè bĩu gọi những thanh niên
nối nhau ra trận tuyến là “Những đứa trẻ buồn ướt lạnh”. Có thể coi
những lời thơ này thuộc loại “phản chiến” không thể in vào thời chiến
tranh còn khốc liệt . Lưu quang Vũ viết những lời thơ thống thiết này
vì không thể không viết chứ không có hy vọng được xuất bản. Chúng
chỉ mới xuất bản gần đây sau khi cuộc chiến đã chấm dứt mấy mươi năm
Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều
Rách tan cả những làn sương đẹp phủ
…Những đứa trẻ buồn ướt lạnh
Lòng chỉ muốn yêu thương
Mà cứ phải suốt đời căm giận
…Giết xong quân giặc
Chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm
Chỉ nỗi buồn trĩu nặng
Dâng như đá trên mồ
Đã có sẳn trong lòng những ưu tư buồn phiền về cuộc chiến trước khi
lên đường, nên khi vào chiến trường chĩa súng bắn vào quân thù mà thực
chất là những đồng bào cùng máu đỏ, da vàng, Lưu quang Vũ càng trăn trở,
suy nghĩ nhiều hơn về cuộc chiến vô nghĩa lý này. Cũng giống như người
lính miền Nam Nguyễn bắc Sơn, Lưu quang Vũ thực sự đau lòng, bức xúc khi
nhìn xác những người lính miền Nam mà ông quen gọi là lính Ngụy. Ông
nói lên cái thế “chẳng đặng đừng” của người lính ngoài mặt trận là phải
bắn vào đối phương dù không có một chút mảy may thù hận:
Xác Ngụy nằm ruồi muỗi bâu đầy
Những đôi mắt bệch màu hoa dại
Những gương mặt trẻ măng xanh tái
Những bàn tay đen đủi chai dầy
Các anh ơi, đừng trách chúng tôi
Các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi
Chúng tôi chẳng thể làm khác được
Quả đồi cháy như một phần quả đất
Bao đời người ta đã giết nhau
Với các anh tôi oán hận gì đâu
Nhưng còn có cách nào khác được
Những lãnh tụ ở hai miền thường hân hoan loan tin chiến thắng bằng
những con số địch quân gục ngã trên trận địa có khi nào băn khoăn ưu
tư về những người lính ngã gục trên chiến trường, có bao giờ có cảm giác
bất nhẫn của người lính miền Nam Nguyễn bắc Sơn và người lính miền Bắc
Lưu quang Vũ khi nhìn thấy xác lính chết trên chiến trường. Phải nhớ một
viên đạn M16 hay một viên AK47 đốn gục một người lính trên trận địa là
nước mắt của một người mẹ Việt Nam chảy ra vì mất con, vành khăn tang sẽ
được buộc lên đầu người vợ xấu số và đàn con thơ ngại vẫn ngày đêm
trông mong người lính trở về nhà sum họp với gia đình. Chinh chiến đã
thực sự cướp đi mạng sống của người lính và đem tang tóc cho gia đình
người thân của người lính. Khi lãnh tụ hai miền xua hai quân Nam, Bắc
đánh nhau, có bao giờ họ nghĩ cuộc chiến Việt Nam chỉ là trận đấu banh
giữa các cường quốc tư bản và Cộng sản. Việt Nam chỉ là con chốt thí
trên bàn cờ quốc tế. Anh em hung hãn hận thù giết nhau chỉ vì thi hành
nhiệm vụ do nước ngoài giao phó. Sinh lực của cả dân tộc bị suy kiệt vì
hai miền đui mù làm nghĩa vụ lính đánh thuê không hơn không kém. Thật
đau lòng và tủi nhục cho con người Việt Nam. Một đất nước có 4000 năm
văn hiến sao cứ sống trong u mê thù hận?
Mùa hè 1972, một mùa hè đỏ lửa kinh hoàng với những trận thư hùng đẫm
máu của hai quân đội Bắc, Nam. Người lính miền Bắc Lưu quang Vũ có mặt
trong mùa hè chiến trận kinh khiếp đó và ghi lại sự chết chóc, đổ vỡ
tan hoang do bom đạn gây nên. Cả dân tộc biến thành một lò xay thịt vĩ
đại. Mạng người Việt Nam tan tành thành mảnh vụn trên những chiến
trường, người Việt hăng say chém giết nhau để thỏa mãn cho những tính
toán chiến lược của bọn ngoại bang . Lưu quang Vũ nhìn thấy dân tộc Việt
Nam đang nướng xác trong một lò sát sinh vĩ đại. Ông ghi lại cảm xúc
của mình như sau:
Những siêu nhân vĩ đại
Những tư tưởng lớn lao nghe đến kinh người
Những thần tượng tiêu vong, những đứa trẻ ra đời
Bóng tối nắm tay nhau, tình yêu chưa hợp lại
Thế giới lo âu đầy xấu xa, phản bội
Ngày càng ít những điều đáng để ta tôn trọng
Nền văn minh lạ lùng của những trái bom
Những đám mây gây mưa, những mìn nổ từ trường
Dân tộc mấy mươi năm giết và bị giết
Mỗi phút sống của tôi đều có người đang chết.
(Hồ sơ mùa hạ 1972)
Từ những ưu tư về sự chẳng đặng đừng và vô nghĩa lý chuyện bắn người
lính đối phương cùng chung máu đỏ da vàng, Lưu quang Vũ trăn trở, lo âu
về thân phận đau thương của nước Việt và tương lai của đất nước không
biết sẽ di về đâu khi tiếp tục ở trong tình trạng nghèo đói và khốn
khổ.
Nước Việt thân yêu
Nước Việt của ta
Sao người phải chịu nhiều đau đớn thế
Thân quằn quại mọi tai ương rách xé
… Tất cả sẽ ra sao
Mảnh đất nghèo máu ứa?
Người sẽ đi đến đâu
Hả Việt Nam khốn khổ?
Đến bao giờ bông lúa
Là tình yêu của người?
Sau 1975, nhà thơ bộ đội Lưu quang Vũ giải ngũ và chuyển sang viết
kịch. Ông trở thành một kịch tác gia nổi tiếng viết những vở kịch lừng
danh như “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Kịch cùa ông nói lên những
chuyện tiêu cực xấu xa đầy dẫy trong chế độ Cộng sản sau 1975. Bất thình
lình, năm 1988 khi ông vừa tròn 40 tuổi, ông cùng bà vợ là nhà thơ Xuân
Quỳnh và một con nhỏ bị tử nạn trong một tai nạn xe cộ có nhiều bí ẩn
mà người ta nghi ngờ chế độ Cộng sản dàn dựng ra để giết ông vì những vở
kịch do ông viết phê phán xã hội đã có những chấn động sâu xa trong
quần chúng. Thật đáng tiếc cho một tài năng thơ ca và kịch đầy hứa hẹn
như Lưu quang Vũ đã chấm dứt cuộc đời ở khi tuổi đời mới 40. Nhân dân
sẽ nhớ đến Lưu quang Vũ là một người yêu thiết tha con người và đất
nước Việt Nam và mạnh dạn nói ra cảm nghĩ của mình trên mực đen giấy
trắng những tâm tư đau buồn của mình trước một quê hương đau thương và
khốn khổ. Ông đã vượt ra ngoài cái nhìn độc đoán một chiều của chế độ
Cộng sản về cuộc chiến tranh khi đối diện với những chết chóc trên
chiến trường lửa đạn để có những suy tư trăn trở có nhiều tình người về
con người đau thương và đất nước Việt Nam tiêu điều trong cảnh chinh
chiến điêu linh. Ông sẽ được tưởng nhớ như một người con yêu của đất
nước Việt Nam trưởng thành trong khói lửa chiến tranh của thời ly loạn .
Một người nhạc sĩ ở miền Nam đã từng gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là
“nội chiến” trong một ca khúc của ông. Đó là Nhạc sĩ Trịnh công Sơn với
bài hát “Gia tài của mẹ”. Ông đã viết trong bài hát như sau;
…Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn…
Đây là một bài hát trong “Ca khúc da vàng” của Trịnh công Sơn. Miền
Nam cấm những bài hát trong ca khúc da vàng vì nó phản chiến, không có
lợi cho cuộc chiến đấu chống Cộng sản của miền Nam. Nhưng miền Bắc cũng
không chấp nhận cách đánh giá cuộc chiến Việt Nam là “nội chiến” của
Trịnh công Sơn.
Sau 1975 ở Huế có mở ra cuộc hội thảo đấu tố Trịnh công Sơn trong đó
có kiểm thảo, phê phán chuyện Trịnh công Sơn làm bài hát “Cho một người
nằm xuống” để tưởng nhớ đến Đại tá miền Nam là Lưu kim Cương tử trận
trong trận Mậu Thân 1968, vốn là một ân nhân của Trịnh công Sơn và quan
điểm gọi cuộc chiến Việt Nam là “nội chiến” trong bài hát “Gia tài của
mẹ”. Đối với Cộng sản miền Bắc, cuộc chiến tranh Việt Nam phải là cuộc
chiến thần thánh chống Mỹ xâm lược và ngụy quyền tay sai, không thể nói
là nội chiến được.
Cho dù có công vói Cộng sản trong chuyện vào đài phát thanh Sài gòn
hát bài “Nối vòng tay lớn” vào trưa ngày 30 tháng 4 để cổ võ cho chuyện
tiến vào Sài gòn của bộ đội Cộng sản và sáng tác những “Ca khúc da
vàng” làm suy yếu tinh thần chống Cộng của binh sĩ miền Nam nhưng vì
phạm những khuyết điểm nói trên nên Trịnh công Sơn bị thất sủng sau
1975. Cộng sản đày Trịnh công Sơn ve à Huế đi trồng sắn trên những bãi
đất có chứa mìn còn sót lại. Có chuyện kể lại cho biết có một con trâu
dẵm phải mìn nổ chết banh xác trên vùng đất trồng sắn nơi Trịnh công Sơn
đang lao động.
Trịnh công Sơn đã nhìn đúng thực chất cuộc chiến tranh Việt Nam là
nội chiến, một cuộc chiến nồi da xáo thịt trong đó anh em huynh đệ tàn
sát lẫn nhau vì sắc màu chủ nghĩa . Ai cũng nghĩ là chuyện chém giết Bắc
Nam sẽ chấm dứt hoàn toàn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 vì chiến tranh
đã chấm dứt. Tội nghiệp cho Trịnh công Sơn khi ông viết bài hát mơ ngày
trẻ em sẽ hát đồng dao ngoài đường khi quê hương thống nhất. Miền Bắc
thắng trận tiếp tục gieo đau thương chết chóc cho miền Nam thua trận sau
ngày 30 tháng 4 năm 1975 bằng những cách trả thù độc ác và đê tiện chứ
hoàn toàn không có những cảnh hòa hợp, hòa giải đẹp đẽ thương yêu như
nhạc sĩ họ Trịnh đã ngây thơ mơ ước trong nhưng ca khúc da vàng của ông.
Miền Bắc không tắm máu những người bại trận miền Nam trong ngày 30
tháng 4 nhưng đã tắm máu họ trong những tháng năm sau đó trong những
trại tù cải tạo khắc nghiệt.
Tiếc rằng những cảnh địa ngục trần gian do Cộng sản miền Bắc gây ra
cho miền Nam sau 1975 đã không được Trịnh công Sơn ghi lại trong bất cứ
bài hát nào của ông sáng tác sau 1975. Trái lại ông còn viết những bài
ca ca ngợi thanh niên xung phong (Em ở nông trường, em ra biên giới)
hay ca ngợi thủ đô Liên xô (Ánh sáng Mạc tư khoa) sau khi được Cộng sản
cho đi tham quan cái nôi của chủ nghĩa Cộng sản. Đó là lý do tại sao
người Việt hải ngoại tỵ nạn Cộng sản vẫn có ác cảm với Trịnh công Sơn,
một người nghệ sĩ ngây thơ về chính trị và đã làm những chuyện có lợi
cho Cộng sản trước và sau 1975 . Trịnh công Sơn có cái đau chân thành
trước sự đổ vỡ tang thương do chiến tranh mang lại nhưng không có đủ tầm
nhìn tỉnh táo và khôn ngoan để nhìn thấy thủ phạm tàn ác gây ra cuộc
nội chiến oan trái và tủi nhục này.
Không bao giờ có thể nói chuyện hòa hợp hòa giải với bọn Cộng sản
Việt Nam được vì chúng là bọn thú đội lốt người, không có sự tỉnh thức
và tình yêu thương đồng loại. Cho nên chúng là thủ phạm gây ra sự chết
chóc oán thù giữa những người Việt trong chiến tranh cũng như sau chiến
tranh. Một sự hòa hợp hòa giải thật sự giữa hai miền Nam Bắc sẽ có khi
chế độ Cộng sản sụp đổ.
Làm sao nói chuyện tha thứ, hòa giải với bọn người độc ác Cộng sản
khi cách đây không lâu chúng liên lạc với chính phủ Nam Dương yêu cầu
đập phá bức tượng mà thuyền nhân dựng lên ở trại tỵ nạn Galang để tưởng
nhớ chuyện vượt biển? Tư trong những trại cải tạo sau 1975 có những
câu thơ đưa ra ngoài của người lính miền Nam bại trận đang sống cảnh
“cá chậu chim lồng’ nói lên sự uất ức của kiếp tù đày dưới chế độ Cộng
sản sau 1975 : “Bao năm chinh chiến ta gần gũi. Giờ đã thanh bình lại
biệt ly.” Trong thời chinh chiến thế mà vợ chồng vẫn có cơ hội sống
chung gần gũi nhau. Sau biến cố đổi đời 30 tháng 4 năm 1975 người quân
nhân miền Nam phải vào tù để hứng chịu những đòn thù độc ác dã man của
Cộng sản và phải xa lìa, cách biệt vợ con. Một số không may rũ xác
trong tù và vĩnh viễn không còn ngày trở về đoàn tụ với gia đình vợ con.
Nói chung, Nguyễn bắc Sơn và Lưu quang Vũ đã nhìn thấy cuộc chiến
tranh vô nghĩa diễn ra trên quê hương Việt Nam trong đó người Việt tận
tình giết người Việt vì chủ nghĩa đã khoác tấm áo ý thức hệ lên hai
miền. Máu người Việt Nam đổ xuống, làng xóm Việt Nam nát tan vì bom đạn
do lãnh tụ hai miền không ý thức được vai trò tay sai của mình, suốt
ngày tìm đủ trăm phương ngàn kế và những phương tiện cùng vũ khí quân sự
giết hại anh em đồng bào ruột thịt của mình mà cứ coi đó là chính nghĩa
tất thắng. Thật là đau buồn và tủi hổ cho những người mang dòng máu
Việt Nam mà không ý thức được thân phận nhược tiểu của đất nước mình,
chỉ biết đánh dấm giết hại đồng bào theo chiến lược toàn cầu của ngoại
bang.
Máu của người Việt đổ ra trong chiến tranh chống ngoại xâm đẹp đẽ và
xứng dáng bao nhiêu thì máu người Việt đổ ra vì nội chiến nồi da xáo
thịt oan uổng và đau đớn bấy nhiêu. Hy vọng người Việt từ nay sẽ có sự
tỉnh thức để anh em một nhà từ nay không còn chém giết nhau một cách ngu
xuẩn và u mê nữa. Cầu mong mẹ Việt Nam sẽ phù hộ cho các con của mẹ có
được sự tỉnh thức đó từ nay. Ai là người dân Việt cũng đều nên có nhận
thức và lòng yêu thương về con người và đất nước Việt Nam như hai người
lính Nam, Bắc Nguyễn bắc Sơn và Lưu quang Vũ.
Xin kết thúc bài viết bằng những lời thơ của Hòa thượng Quảng Độ, một
vị cao tăng mấy mươi năm qua đã hết lòng tranh đấu cho đất nước và con
người Việt Nam. Những dòng thơ truyền cảm của thầy sẽ là những dòng
nước Cam lồ thiêng liêng tưới mát những hận thù, mất mát của một thời
kỳ mất mát và đau thương do sự vô minh, thù hận của bọn tay sai ngoại
bang gây ra cho đất nước và con người Việt Nam.
TRỜI ĐÃ SÁNG
Vào một buổi chiều mưa
Trời nhà tù buồn thảm
Như ngày ba mươi tháng tư
Năm bảy lăm lịch sử qua rồi
Bên cửa sắt xà lim tăm tối
Tôi đứng nhìn những giọt mưa rơi
Từ mái nhà đổ xuống
Lênh láng chan hòa
Trông như những dòng nước mắt
Của muôn vạn người dân vô tội
Đã chảy ra
Khi trải qua một cuộc đổi đời
Gió rít từng cơn
Mưa tuôn càng mạnh
Lòng trống lạnh bồi hồi
Tôi nhìn quanh tôi
Bốn bức tường dày đặc
Bóng tối phủ đầy
Rồi đưa mắt nhìn ra phía chân trời
Tôi tìm trong tưởng tượng
Một nơ i tru ù ẩn sáng tươi
Nhưng hoàn toàn mờ mịt
Cũng như xà lim tăm tối của tôi
Miền Nam ôi !
Tôi thầm gọi
Đây là Miền Nam trong căn phòng giam chật hẹp âm u
Ngoài kia la Miền Nam trong một nhà tù rộng lớn
Còn có nơi nào yên ổn
Xin chỉ cho tôi lẩn trốn
Hỡi Miền Nam thương mến của tôi ơi !
Đêm xuống rồi và mưa đã ngừng rơi
Sau hồi kiểng hiệu vang lên
Toàn khu nhà tù chìm vào yên lặng
Yên lặng như một nấm mồ hoang vắng
Giữa miền cát trắng bao la
Và nằm trong căn nhà mồ
Tôi không thấy gì nữa cả
Trừ những bóng ma
(vai mang khẩu súng AK)
Thỉnh thoảng chập chờn qua gang cửa gió
Đêm khuya đã đưa tôi vào giấc ngủ
Một giấc ngủ thật ngon
Thời gian lặng lẽ
Trôi theo định luật vô thường
Và mơ màng
Tôi nghe đâu đây tiếng chim hót véo von
Tôi choàng dậy
Ô kìa !
Thì ra trời đã sáng
Từ phương Đông
Vầng thái dương hiện lên chói rạng
Mở đầu một ngày rực rỡ ánh hào quang
(Nhà xuất bản Quê mẹ- Pháp)
Ánh hào quang rực rỡ phát ra từ những tia nắng chói lọi buổi sớm mai
mà Hòa thượng Quảng Độ nhìn thấy sau một đêm tăm tối trong nhà tù
chính là tương lai tươi sáng của một nước Việt Nam giàu mạnh, độc lập ,
hạnh phúc sau bao nhiêu năm hận thù đen tối, giết chóc bạo tàn . Mong
sao ngày ấy sẽ tới với bao nhiêu rộn rã vui mừng của người dân Việt
trước viễn ảnh một nước Việt Nam thương yêu, no ấm, huy hoàng.
© Trần viết Đại Hưng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét