Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

TAM QUYỀN PHÂN LẬP LÀ GÌ?

NGUỒN GỐC
Lý thuyết phân quyền trong việc điều hành guồng máy một quốc gia bắt nguồn từ 2 lý thuyết gia lừng danh, John Locke (Anh, 1632 – 1704) và Montesquieu (Pháp, 1689 – 1755).
Trong “Luận về Chính quyền dân sự” (Two Treatises of Government – 1689), Loke chủ trương chia 3 quyền phân biệt sau:
Lập Pháp
Hành Pháp
Ngoại Giao
Trong “Vạn Pháp Tinh Lý” (De l’esprit des lois / The Spirit of the Laws, 1748), Montesquieu sửa đổi và bổ sung lý thuyết của Loke trở thành 3 quyền sau:
Lập Pháp: soạn thảo hiến pháp, luật pháp cho quốc gia, và biểu quyết các đạo luật từ Hành pháp.
Hành Pháp: điều hành đất nước dựa trên việc thực thi luật pháp và tuân thủ hiến pháp
Tư Pháp: dựa trên luật pháp quốc gia, tổ chức xét xử tất cả những hành vi phạm pháp của công dân và của các cơ quan công quyền kể cả cá nhân trong các cơ quan đó…
Theo lý thuyết này của Montesquieu thì Hành pháp đảm nhiệm cả việc đối ngoại cho quốc gia.
Gần 300 năm qua, ý tưởng và lối thiết kế phân quyền của Montesquieu vẫn còn nhiều ảnh hưởng cho dù theo đà tiến triển của văn minh nhân loại, người ta đã có nhiều phát kiến bổ khuyết cho phù hợp với từng quốc gia địa phương, nhưng tựu trung lại vẫn càng làm vững thêm cho lý thuyết phân quyền, một điểm son của văn minh nhân loại đang hiển hiện qua hình dạng các thể chế chính trị tự do dân chủ trên thế giới.

ĐẶC ĐIỂM
Vì sao J. Loke và Montesquieu phải chủ trương phân quyền? Điều gì đã khiến các vị lý thuyết gia tiên phong của nhân loại nghĩ ra lý thuyết ấy?
Ta hãy nghe Montesquieu: “…Khi lập pháp bị sát nhập vào hành pháp nghĩa là quyền sinh ra luật và thi hành luật nằm trong tay 1 nhóm người thì đất nước không có tự do được! Thật đơn giản để vừa làm ra luật vừa áp dụng luật một cách độc đoán… Nếu mà cả tư pháp lại bị nhóm quyền hành này thâu tóm nữa thì chế độ cai trị sẽ có sức mạnh của kẻ áp bức…” (“Vạn Pháp Tinh Lý”)
Như vậy, nguyên tắc phân quyền ra đời cốt để ngăn chặn độc tài hoặc dân chủ giả hiệu. Nó phân chia hài hòa các bình diện trách vụ của quốc gia làm 3 nơi.
Phân nhiệm: mỗi cơ quan đại diện cho công quyền quốc gia thực thi một nhiệm vụ riêng, có quyền hạn trong phạm vi nhiệm vụ đó mà thôi.
Độc lập: sự phân nhiệm như thế đã ấn định thẩm quyền của mỗi cơ quan, do đó, các cơ quan hoàn toàn độc lập với nhau từ quyền hạn đến trách vụ, cho nên sẽ không thể có sự dẫm đạp nhau hoặc thông đồng, ảnh hưởng đến nhau hay phối hợp nhau mà nhũng lạm quyền hành. Tỉ dụ, quốc hội (lập pháp) không có quyền xen vào việc của chính phủ (hành pháp) cũng như chính phủ không thể khiến quốc hội biểu quyết các dự thảo luật, đạo luật v.v…
Tầm quan trọng của quyền Lập Hiến và Hiến pháp
Chú ý rằng, quyền Lập Hiến là tối thượng, nguyên thuỷ và bất khả phân của quốc gia. Quyền Lập Hiến chính là Chủ quyền của đất nước.
Hiến Pháp là những nguyên tắc và là tuyên ngôn tối thượng, là kim chỉ nam cho sinh hoạt chính trị của quốc gia, và đồng thời là khế ước bắt buộc đối với bộ máy cầm quyền phải thực thi nhân quyền và dân quyền, nghĩa là họ được dân bầu lên (trong 1 nhiệm kỳ hạn định) để phục vụ ý dân thông qua các chức danh đại diện quyền lực chính quyền của dất nước.
Vì thế, các cá nhân hay nhóm thiểu số nắm quyền lực thì sẽ phải mãn nhiệm nhưng Hiến Pháp thì không. Hiến Pháp thì trường cửu và chỉ có thể được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế đời sống bởi những quy trình tu chính công minh và nghiêm ngặt.
Đối với những cơ quan công quyền trong một quốc gia, tội vi hiến là trọng tội và hậu quả là bị bãi nhiệm hoặc truy tố.
Vì Hiến Pháp quan trọng như thế nên bất cứ chế độ cai trị nào thao túng quy trình tạo lập Hiến Pháp, tùy nghi sinh ra, tùy ý sửa đổi… thì chế độ đó là một thứ guồng máy độc tài, áp bức và man trá.
Và một chế độ thực sự công bằng, tự do dân chủ phải lấy ý tưởng phân quyền làm nền tảng trong việc soạn thảo Hiến pháp.
Nguyên tắc phân quyền chỉ có giá trị theo sau, khi một Hiến Pháp thực sự của dân, do dân và vì dân được xác lập bởi một Quốc Hội Lập Hiến. Quốc Hội Lập Hiến do dân bầu trong một cuộc phổ thông đầu phiếu hợp lệ, công bằng và khách quan, trong sạch.
Sau khi soạn thảo xong Hiến Pháp, Quốc Hội Lập Hiến giải tán và nhường bước lại cho các diễn tiến thực thi tam quyền phân lập đã được hiến định, đó là tiến hành các cuộc bầu cử trọng yếu bầu ra bộ máy Hành Pháp và Lập Pháp. Riêng Tư Pháp, có nơi do dân bầu trực tiếp, có nơi do Hành Pháp chỉ định (bổ nhiệm) và được Lập Pháp chuẩn thuận.

CƠ CẤU TỔ CHỨC CÁC CƠ QUAN CÔNG QUYỀN


CƠ QUAN LẬP PHÁP: QUỐC HỘI

Định Nghĩa:
Ngoại trừ Quốc Hội Lập Hiến với nhiệm vụ và trọng trách hạn định như đã trình bày ở trên, đã giải tán sau khi soạn thảo xong Hiến Pháp, thì Quốc Hội Lập Pháp (hay còn gọi là Nghị Viện) là cơ quan công quyền thường trực, gồm các dân biểu (đại biểu của dân, do dân bầu) và cũng sẽ được tái bầu theo hạn trình hiến định.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc Hội là soạn thảo Luật lệ cho quốc gia, biểu quyết các đạo luật từ hành pháp và kiểm soát bộ máy hành pháp trong việc thực thi chính sách quốc gia.
Phân Loại:
1- Chế độ nhất viện: Theo chế độ này thì Quốc Hội chỉ có 1 viện duy nhất (ví dụ Quốc Hội VNCH từ 1956 – 1963).
Nhất viện quốc hội có những lợi ích như việc lập pháp nhanh chóng và tập trung, các dân biểu sinh hoạt trong 1 viện duy nhất nên dễ làm việc, đoàn kết và thống nhất ý chí, chưa kể việc ngân sách quốc gia cũng được giảm nhẹ.
Chế độ nhất viện được áp dụng duy chỉ tại VNCH thời đệ nhất cộng hòa do bởi tình hình đặc biệt lúc đó: nền cộng hỏa non trẻ của Việt Nam lần đầu tiên được thành lập, trong bối cảnh miền bắc cộng sản đang chuẩn bị một cuộc xâm lăng quy mô và lâu dài với viện trợ hùng hậu của đế quốc cộng sản Nga sô và Trung cộng hòng thôn tính miền Nam tự do cho tham vọng nhuộm đỏ thế giới.
2- Chế độ lưỡng viện: Theo chế độ này thì Quốc Hội có 2 viện: Thượng nghị viện và Hạ nghị viện.
Các dân biểu Hạ viện được bầu từ các tỉnh, địa phương. Các nghị sĩ Thượng viện được bầu trên quy mô toàn quốc. Do đó chế độ lưỡng viện đại diện đầy đủ các tấng lớp nhân dân. Các quốc gia liên bang (hoặc không) thường áp dụng chế độ lưỡng viện quốc hội như Hoa Kỳ, Đức, Thụy Sĩ (hay Anh, Pháp, VNCH -đệ nhị cộng hòa 1967).
Chế độ lưỡng viện thận trọng và chắc chắn hơn trong việc lập pháp. Nếu Hạ viện sôi nổi hơn với đòi hỏi đặc thù của tầng lớp quần chúng địa phương thì Thượng viện chín chắn hơn trong việc điều hòa nhu cầu địa phương và tiếng nói chung của quốc gia.
Thượng viện còn là nơi có thẩm quyền khả dĩ làm vai trò theo dõi và kiểm soát mọi hoạt động của chính phủ (hành pháp). Vì thế nền chính trị quốc gia dễ thăng bằng và khó rơi vào chỗ cực đoan hay nhũng lạm quyền hành hay nguy cơ phát sinh mầm mống độc tài.
Quy chế:
Để bảo đảm tính độc lập và quyền uy trong vai trò đại diện ý dân, Dân biểu và Nghị sĩ được hưởng một số đặc quyền cũng như bị một vài hạn chế.
Đặc quyền:
- Tự do phát biểu ý kiến: Dân biểu và Nghị sĩ hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến tại nghị trường Quốc hội. Không ai có thể khiến Dân biểu hay Nghị sĩ biểu quyết hay không về một chủ đề bàn thảo hay thông qua một đạo luật chẳng hạn. (Ví dụ: Điều 37 Hiến Pháp VNCH (1967): “Không thể truy tố, tầm nã, bắt giam hay xét xử dân biểu hay nghị sĩ vì những phát biểu và biểu quyết của họ tại quốc hội”
- Bất khả xâm phạm: Nhằm ngăn ngừa bị uy hiếp và bảo vệ vai trò của người đại diên cho dân chúng, Dân biểu và Nghị sĩ được hưởng quyền Bất khả xâm phạm (quyền này không áp dụng cho trường hợp các tội vi cảnh, hay liên quan đến kỷ luật nội bộ Nghị viện, hay quả tang phạm pháp). Ví dụ: Điều 37-2 Hiến Pháp VNCH (1967): “Trong suốt thời gian pháp nhiệm, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp, không thể truy tố, tầm nã bắt giam hay xét xử dân biểu hay nghị sĩ nếu không có sự chấp thuận của 3/4 tổng số Dân biểu hay Nghị sĩ”
- Hoãn dịch: Trong thời gian pháp nhiệm, Dân biểu và Nghị sĩ không phải thi hành quân dịch (Military Service). Quyền này nhằm tôn vai trò quan trọng và ưu tiên của những vị dân biểu trong việc thực thi ý dân giao phó.
- Phụ cấp cao: Dân biểu và Nghị sĩ được hưởng phụ cấp cao bằng ngân sách quốc gia nhằm giúp các vị yên tâm về sinh kế để tập trung cho trọng trách đang mang, hơn nữa, để dễ dàng chối từ các cạm bẫy lợi dụng của các thế lực khác muốn chi phối vai trò đặc quyền của Nghị viên.
Hạn chế:
- Bất khả kiêm nhiệm: Dân biểu và Nghị sĩ không được kiêm nhiệm bất kỳ công vụ nào khác được trả lương, hay kiêm thêm 1 nhiệm vụ dân cử khác, hoặc kiêm nhiệm một vai trò, chức vụ doanh vụ tư nhân.
Tuy nhiên, các Nghị viên có thể tham gia phụ trách giảng huấn nếu có năng lực, tại các trường Đại Học hoặc Cao Đẳng.
- Bảo mật tài liệu: các Nghị viên có trọng trách gìn giữ bí mật về các tài liệu quốc gia được bàn thảo tại nghị trường quốc hội.
- Không được dự thầu: các Nghị viên (và người hôn phối) Không được tham gia các vụ đấu thầu hay ký các giao kèo doanh vụ với các cơ quan công quyền khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét